Có đến 153 đại biểu đăng ký thảo luận ngay từ đầu giờ sáng ngày 31/5. |
Phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội sáng 31/5, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có câu trả lời một số vấn đề liên quan trực tiếp đến chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đó là, bao giờ thì đảm bảo được vắc-xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
“Vì mặc dù có chỉ đạo quyết liệt từ Phó thủ tướng trong việc Bộ Y tế phải lấy lại vai trò của mình và phải tiến hành đấu thầu, đàm phán, chủ động chứ không đẩy trách nhiệm về địa phương với lý do là Bộ Tài chính chuyển nguồn. Trong quá trình cứ đẩy qua đẩy lại thế này người phải trả giá chính là trẻ em”.
Bà Lan nhận định và nhấn mạnh, hậu quả sẽ hết sức nặng nề nếu như vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chậm trễ.
“Chậm ngày nào là chết ngày đó. Đề nghị có trả lời rành rọt dứt khoát vấn đề này”, đại biểu Lan tỏ rõ quan điểm.
Vấn đề tiếp theo được vị đại biểu ngành y đề cập là, vừa qua, có rất nhiều vấn đề về cung ứng trong ngành y tế. Mà đỉnh điểm là thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế ở cơ sở điều trị, dù Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, thể hiện ở một số nghị định, nghị quyết.
“Tôi xin hỏi, từ đó tới nay, ngành y tế đã có tổng kết, sơ kết ban đầu để thấy được những cái nào có ích, cái nào thực sự tháo gỡ khó khăn trong quá trình mua sắm thuốc, trang thiết bị để có thể luật hóa, để chúng ta không diễn vào tình trạng năm nào cũng thiếu. Không lẽ, lúc nào Thủ tướng cũng phải ra nghị quyết”, bà Lan sốt ruột.
Vấn đề thứ ba, bà Lan nêu là, khi đã thiếu thuốc, trang thiết bị, thì có tình trạng nhiều bệnh nhân đến bệnh viện phải tự đi mua thuốc, phải tự đi chụp chiếu ở các cơ sở tư nhân, phải tự đi mua vật tư y tế.
“Tôi xin hỏi vai trò của Bảo hiểm Y tế trong việc đền bù những chi phí này. Bởi đây là quyền lợi chính đáng của người được bảo hiểm y tế”, bà Lan phát biểu và nhấn mạnh cả 3 vấn đề nêu trên cần có câu trả lời chính thức.
“Sau cùng, một ý nhỏ tôi muốn góp ý cho báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện kinh tế - xã hội 2022, ở đây chỉ là vấn đề diễn tả thôi, là ở phần 26 bài học kinh nghiệm rút ra, chúng ta không nên dùng thành ngữ "tiền hô hậu ủng" để diễn tả tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Bởi vì thường thường "tiền hô hậu ủng", chúng tôi sẽ hiểu theo nghĩa xấu. Đó là sự rầm rộ ở bên ngoài thôi. Và phô trương hình thức. Chúng tôi rất đồng ý nhất hô bá ứng, trên nóng dưới cũng phải nóng, nhưng đề nghị không dùng tiền hô hậu ủng”, bà Lan góp ý.
Trong phiên khai mạc, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội có nêu bài học kinh nghiệm: Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt". Phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên định, nhất quán, bình tĩnh, giữ vững nguyên tắc trước những vấn đề khó khăn, thách thức mới.