Các chuyên gia cảnh báo thừa cân béo phì khiến người bệnh có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ và ít nhất 13 bệnh ung thư.
Đây là gánh nặng cho cá nhân và xã hội khi làm tăng chi phí chăm sóc sức khoẻ, giảm năng suất lao động do bệnh tật, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân. Việt Nam hiện có khoảng 22 triệu người mắc bệnh không lây nhiễm, chiếm gần 1/4 dân số.
Chia sẻ tại Hội thảo cung cấp thông tin báo chí về các giải pháp phòng ngừa bệnh không lây nhiễm, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế cho biết, thừa cân, béo phì đã trở thành một vấn nạn trên toàn cầu, một “đại dịch” có tính chất toàn cầu. Hiện nay tốc độ béo phì đang tăng theo hình dựng đứng.
Thừa cân, béo phì đã trở thành một vấn nạn trên toàn cầu, một “đại dịch” có tính chất toàn cầu |
Cụ thể, trước năm 1970, tỷ lệ béo phì ở học sinh 5-19 tuổi chỉ khoảng 2%, thì nay là 16%. Như vậy, cứ cách 10 năm tăng gấp 2, 3 lần.
Tại Việt Nam, sau 10 năm, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng 1,5 lần (từ 5,6% vào năm 2010 lên 7,4% vào năm 2020). Con số này ở trẻ 5-19 tuổi cũng tăng gấp đôi (từ 8,5% lên 19%). Đặc biệt, tại TP.HCM cứ 2 trẻ sẽ có 1 trẻ bị thừa cân, béo phì.
Tương tự, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người lớn cũng tăng gần gấp đôi 10 năm (từ 12% lên 19,6%). “Trẻ em là tương lai của đất nước, vì thế rất cần quan tâm đến vấn đề thừa cân béo phì. Nếu cứ để tốc độ này, sau 10 năm tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường sẽ tăng gấp đôi”, bà Mai nhấn mạnh.
Theo bà Mai, có nhiều yếu tố góp phần dẫn đến trẻ bị thừa cân béo phì như: Trẻ bị giảm thời gian ngủ, ít vận động, dinh dưỡng kém chất lượng, bà mẹ bị béo phì trước khi sinh, yếu tố di truyền…
Chuyên gia của Viện Dinh dưỡng cũng thừa nhận, có đến 10 yếu tố tác động khiến con người dần dần bị béo phì gồm: Vận động, dinh dưỡng, virus, hormone, stress, tâm lý, ô nhiễm, công nghệ, thực phẩm, tình trạng xã hội.
Do đó, câu chuyện kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì là thách thức, khó hơn rất nhiều so với việc phòng chống các bệnh lây nhiễm.
Vấn đề ở đây là thay đổi lối sống, môi trường sống, cần có cách tác động vào chính sách để giải quyết môi trường sống cho trẻ, làm thế nào để có khoảng không cho trẻ tập thể dục thể thao. Đây cũng chính là yếu tố góp phần vì sao chưa cải thiện được tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ. Ngoài ra, theo bà Mai, cần truyền thông để thay đổi dần thói quen sinh hoạt trong mỗi gia đình.
Trước đó, GS-TS.Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng cũng cho biết, nguyên nhân béo phì ở mỗi người có thể không giống nhau.
Có thể người này béo phì cho do ăn uống vô hạn độ, ăn uống nhiều quá, có thể người khác là do không chịu luyện tập, có người lại do nguyên nhân bệnh lý, gen. Vì thế, để điều trị thì cần tìm nguyên nhân, từ đó khắc phục.
Trẻ em bị béo phì ngoài thân hình không đẹp, trẻ còn mắc các rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đường… Vì thế, trẻ có thể bị tăng huyết áp sớm, tiểu đường sớm… Hiện nay, đang cảnh báo nhiều về tình trạng trẻ hóa trong các bệnh tim mạch, tiểu đường, xương khớp...
Thay đổi lối sống, chế độ ăn và hoạt động thể lực là nền tảng điều trị thừa cân, béo phì. Với người quá béo, một tháng không nên giảm quá 5kg, còn với những người BMI vượt qua 30 một chút thì hãy giảm dần dần. Đặc biệt, cần quan tâm giảm chu vi vòng eo hơn là chỉ giảm cân.
Béo phì cũng rất dễ tái lại, vì thế luôn phải thực hiện chế độ ăn lành mạnh, vận động để kiểm soát cân nặng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện trên thế giới có 6,5 triệu người béo phì cần điều trị, số tiền điều trị cho béo phì rất lớn. Tỷ lệ tử vong liên quan tới béo phì gấp 2 lần tỷ lệ tử vong của ung thư vú và đại trực tràng cộng lại.
Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, số ca bệnh béo phì tìm đến cơ sở y tế điều trị béo phì ngày càng nhiều. Đa số trường hợp đến bệnh viện đều không thể kiểm soát được tình trạng béo phì bằng cách thay đổi lối sống và không đáp ứng với các phương pháp trị liệu khác. Những bệnh nhân này thường có một số bệnh lý đi kèm như huyết áp cao, đau khớp, vô sinh nguyên phát, đái tháo đường, tăng lipid máu, gan nhiễm mỡ, tăng cholesterol máu…
GS-TS. Trần Bình Giang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khuyến cáo, béo phì là một bệnh mãn tính, cần được điều trị sớm. Bệnh béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, mà còn gây ra nhiều nguy cơ như mắc các bệnh lý về tim mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ gan, các bệnh lý cơ xương khớp, vô sinh…
Béo phì và thừa cân cũng làm tăng nguy cơ tử vong hơn so với những bệnh nhân có cân nặng bình thường. Nguyên tắc để điều trị thừa cân, béo phì là tăng cường tiêu hao năng lượng và giảm nguồn thức ăn vào cơ thể.
Theo PGS. Giang, có hai nguyên nhân chính gây béo phì tại Việt Nam.
Thứ nhất, tỷ lệ béo phì tăng cao là do đời sống của người dân Việt tăng lên hơn trước. Mức sống của người Việt Nam bắt đầu tiếp cận với các nước phát triển. Các thực phẩm giàu năng lượng đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn người Việt.
Thức ăn có lợi cho sức khoẻ như rau xanh, hoa quả lại bị thiếu dần nó được thay bằng gà rán, các loại thức ăn nhanh, nước ngọt... những thức ăn này là nguyên nhân gây thừa cân, béo phì.
Nhiều người còn quan niệm béo phì là sang, to bụng là tướng làm quan nên mặc nhiên để cân nặng từ thừa cân chuyển sang béo phì.
Thứ hai, con người ngày càng ít vận động, tỷ lệ lao động tại văn phòng, ngồi tại chỗ ngày càng tăng lên khiến tiêu hao năng lượng ít hơn năng lượng ăn vào. Năng lượng dư thừa quá nhiều và tích tụ lại trong cơ thể dưới dạng mỡ gây ra thừa cân béo phì. Không chỉ ít vận động trong công việc, người Việt một bước lên xe cũng làm giảm quá trình vận động hơn.
Hiện nay, mỗi người có thể tự tính tình trạng thừa cân béo phì của mình. Chỉ số cân nặng BMI được sử dụng để phân loại bệnh thừa cân, béo phì.
Công thức tính chỉ số này đơn giản và đánh giá tương đối chính xác lượng mỡ trong cơ thể. Chỉ số BMI = Cân nặng cơ thể / (Chiều cao x 2) = kg/m2.
Cũng theo phân loại của tổ chức Y tế thế giới WHO, người trưởng thành bình thường có cân nặng vượt quá tiêu chuẩn như sau: BMI từ 25 - 29.9 là thừa cân. BMI từ 30 trở lên là béo phì.
GS.Giang cho biết chúng ta hay gọi thừa cân béo phì nhưng thực chất thừa cân và béo phì là hai trạng thái khác nhau. Thừa cân bạn chỉ cần thay đổi chế độ sinh hoạt, thay đổi ăn uống, thay đổi thói quen luyện tập nhưng khi chuyển sang béo phì là phải chuyển sang điều trị theo y học, đây là bệnh phải chữa. Chữa béo phì cũng là cách để chúng ta giảm các nguy cơ bệnh lý đi kèm nhất là tim mạch, ung thư, vô sinh.
Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, thừa cân, béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động, sinh hoạt, tâm lý mà còn phải coi đó là bệnh lý và cần được khám và điều trị tại các chuyên khoa về tiêu hóa và béo phì.
Có rất nhiều phương pháp được áp dụng trong việc điều trị béo phì như các biện pháp thay đổi lối sống, tăng cường vận động thể lực, điều trị nội khoa, phẫu thuật.