Chiều nay (24/11), Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam năm 2016 gây chú ý với chủ đề fintech. Có rất nhiều ý kiến thảo luận được đưa ra xung quanh chủ đề này.
Fintech: Phát triển hạn chế vẫn chê ngân hàng
Dù đang trở thành một “hiện tượng” khi liên tục trỗi dậy thời gian gần đây, song fintech ở Việt Nam vẫn phát triển khá èo uột.
Ông Nguyễn Hoà Bình - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc NextTech- một trong những fintech đầu tiên trên thị trường Việt Nam thừa nhạn, ở Việt Nam hiện nay fintech còn khá đơn điệu với đại đa số ứng dụng tập trung trong lĩnh vực thanh toán điện tử và đặc biệt nở rộ hơn một năm gần đây khi NHNN chính thức cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với 16 doanh nghiệp đã được cấp phép và hàng chục doanh nghiệp khác đang chờ cấp phép. Tuy nhiên, chỉ một số ít các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận với một mảng thị trường riêng, trong khi đại đa số còn lại vẫn còn gặp nhiều khó khăn mà theo lời một quan chức tại hội thảo gần đây thì “sống bằng tiền nhà đầu tư”.
Ngoài ra còn một số ít ứng dụng trong mảng cho vay tiêu dùng như Mobivi, Mạnh Thường Quân hay DrDong; đánh giá tín dụng như Trusting Social và quản lý tài chính cá nhân như MoneyLover hay xác thực khách hàng điện tử qua chụp ảnh Selfie như Verime… với tổng số công ty thực sự hoạt động mới chỉ đếm trên hai bàn tay.
Theo phân tích của ông Nguyễn Hòa Bình, nguyên nhân của tình trạng này, ngoài yếu tố cung cầu và giai đoạn phát triển hiện nay còn tương đối sớm thì còn phải kể đến sự chưa cởi mở hợp tác từ phía chính các tổ chức tài chính ngân hàng truyền thống vì tâm lý e ngại hoặc chưa đủ nhận thức về sự cần thiết phải hợp tác chặt chẽ với các ứng dụng Fintech “thân thiện” để chống lại các nguy cơ đến từ Fintech, giống như nhà nông phải tương trợ các sinh vật thiên địch với các loài có hại.
Dù chưa phát triển mạnh Việt Nam, song cả các fintech lẫn các nhà băng, các lãnh đạo NHNN đều thừa nhận, fintech đang trở thành một xu hướng.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho rằng, Fintech đang phát triển bùng nổ từ năm 2010 đến nay, doanh thu tới 200 tỷ USD trên toàn cầu. Fintech cũng đang phát triển đa dạng trong nhiều lĩnh vực: bảo hiểm, quản lý tài sản... và xu hướng này vẫn tiếp tục trên toàn cầu.
Sự phát triển như vũ bão của cách mạng công nghệ lần thứ tư khiến đại diện NextTech ví von: “Nếu ví các tổ chức tài chính ngân hàng truyền thống như chiếc điện thoại cố định, thì các tổ chức được điện tử hoá và các doanh nghiệp Fintech giống như chiếc điện thoại di động. Trước đây người ta phải đến các điểm cố định để sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng, thì trong kỷ nguyên Fintech khách hàng có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi và bản thân các ngân hàng có thể sẽ không còn cần thiết nữa”.
Ngân hàng: Fintech chưa phải là đối thủ
Trong khi các fintech khá tự tin về xu hướng phát triển thì các nhà băng vẫn hầu như không mấy quan ngại.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Vietcombank khẳng định, ở thị trường Việt Nam, fintech chưa phải là đối thủ cạnh tranh của các ngân hàng. vì quy mô còn nhỏ, các lĩnh vực mà fintech đầu tư cũng là các lĩnh vực mà các ngân hàng đang áp dụng và có nhiều thế mạnh, nhất là thế mạnh về vốn, quy mô, mạng lưới.
Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn chiều nay, ông Phan Thanh Sơn cho rằng, ngân hàng vẫn sẽ luôn giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối các thành phần kinh tế và cung cấp các dịch vụ và giải pháp tài chính (tiền gửi, cho vay, thanh toán,…) đến từng cá nhân, doanh nghiệp. Ngân hàng với nền tảng khách hàng lớn hiện tại và mạng lưới chi nhánh rộng khắp sẽ là một lợi thế cạnh tranh khó có thể san lấp khi việc sử dụng tiền mặt vẫn là thói quen chủ yếu của người dân Việt Nam.
Thêm vào đó, uy tín cùng khả năng bảo mật vượt trội – điều quan tâm lớn của khách hàng, cũng đặt ngân hàng ở vị trí trung tâm. Ngoài ra, ngân hàng cũng là kênh trung gian giúp Nhà nước quản lý, ban hành và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính trọn vẹn và ổn định của nền kinh tế.
Mặc dù vậy, ông Sơn lạc quan cho rằng, ngân hàng và fintech có thể thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với nhau. "Thay vì ảnh hưởng, Fintech và ngân hàng tại Việt Nam chủ yếu là mối quan hệ cộng hưởng, hợp lực chứ không phải triệt tiêu lẫn nhau", ông Phan Thanh Sơn nói.
Đương nhiên, việc tích hợp fintech với ngân hàng cũng không hề đơn giản. Ông Jan Bellens – Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường mới nổi toàn cầu Ernst & Young cảnh báo, quản trị rủi ro liên quan đến FinTech hết sức quan trọng, đảm bảo rằng Ngân hàng có thể bảo vệ được thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ cũng, dữ liệu khách hàng của mình cũng như đem lại những trải nghiệm dịch vụ mang tính đột phá và tiện ích nhất cho khách hàng.
Cụ thể, việc hợp tác với các công ty Fin-techs cũng làm tăng hồ sơ rủi ro của các Ngân hàng, liên quan đến pháp lý, để rủi ro của đơn vị cung cấp thứ ba.
Hiện nay, rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang hợp tác với các fintech để cung cấp và phát triển một số dịch vụ dịch vụ thanh toán cá nhân. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chạy đua mạnh mẽ để đầu tư công nghệ.