Tìm hiểu cả tháng rồi trở thành người bị hại
Được một nhóm bị hại đưa từ Đồng Nai lên TP.HCM để chờ trả lời xét hỏi của những bị hại đã mua dự án “ma” của Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm tự vẽ, bà P.H.S. (53 tuổi) với chiếc nạng trên tay không ngừng rơi nước mắt.
Thấy công ty ngay đầu hẻm gần nhà, sale (nhân viên kinh doanh – PV) liên tục mời chào mua đất, nhưng bà S. vẫn không tin tưởng. Bà quyết định xin vào làm lao công, phụ trách quét dọn, nấu cơm, lau chùi để tìm hiểu.
Sau hơn 1 tháng “điều tra”, thấy công ty có đất thật, nhà đầu tư lấy tiền lãi bình thường, lại thêm chính sách trả góp, bà S. quyết định giấu gia đình vay tiền đầu tư 8 lô đất, thuộc 7 dự án của Alibaba với số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Nhiều bị hại trong vụ án được hướng dẫn làm thủ tục đối chiếu thông tin |
Bà S. cho biết, tất cả các dự án Alibaba Song Long Residence, Alibaba Bàu Cạn Riverside… đã mua đều có đất thật, được phân lô đánh số rõ ràng và đến tận nơi nhận đất, trừ 2 lô ở xa, bị say xe nên không thể đi coi trực tiếp.
Sau đó, bà tiếp tục ở lại Công ty, vừa làm vừa theo dõi các lô đất của mình. Thế nhưng, tiền lãi từ đầu tư đất chưa được lấy lần nào vì Nguyễn Thái Luyện cùng “bộ sậu” bị bắt. Trong khi đó, tiền lãi phải trả do vay mượn làm bà và các con nảy sinh mâu thuẫn, áp lực nợ lần, gia đình bất hòa khiến bà nhiều lần nghĩ đến cái chết. “Nhiều lúc chỉ muốn chết cho xong”, bà S. bật khóc.
Thế nhưng, cữ nghĩ đến việc chết rồi không trả nợ cho người ta, khiến người đời sỉ nhục nên bà ráng sống để trả nợ.
Mặc dù vay mượn đầu tư hơn 1 tỷ đồng, bà S. không dám nói hết với các con. Vì vậy, ngoài số tiền hơn 400 triệu đồng nợ ngân hàng được các con trả giúp, số còn lại bà âm thầm xoay sở tự trả lãi 16 triệu đồng/tháng. “Tôi thà chết chứ không nói. Số nợ còn lại con tôi nó không biết đâu”, bà S. nói.
Trước đó còn có thể đi làm trả nợ, thế nhưng cách đây 5 tháng, bà S. bị tai nạn giao thông, không thể đi lại mà chỉ ngồi một chỗ. Người gây tai nạn thì chạy mất nên không hề nhận được đền bù.
“Nhà tôi giờ nghèo lắm, chồng chết 8 năm rồi, trong khi nhà có 3 đứa con còn tôi thì khuyết tật. Tôi chỉ mong muốn lấy lại được số tiền gốc về trả trả nợ cho người ta. Nếu không có tiền thì lấy đất về cũng được”, bà S. tâm sự.
Bị hại cung cấp giấy tờ bổ sung tại phiên tòa |
Tương tự, trước đó chị T.T.H. cùng chồng từ Đồng Nai đến TAND TP. HCM tham gia xét hỏi của hội đồng xét xử. Vì tin tưởng vào Công ty Alibaba, chị H. đã cầm cố nhà, vay tiền ngân hàng mua 11 lô đất của Công ty Alibaba với số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Khi nhận tiền lãi được vài tháng, lãnh đạo công ty Alibaba bị bắt khiến gia đình chị lâm vào hoàn cảnh khó khăn, chỉ mong tòa án xét xử nhanh chóng để có thể nhận lại tiền trả ngân hàng.
“Gia đình tôi rất là khó khăn, sổ đang cầm tại ngân hàng nông nghiệp, mỗi tháng phải đóng gần 30 triệu tiền lãi. Giờ chỉ trông chờ vào nhà nước, lấy lại được bao nhiêu tiền thì đỡ bấy nhiêu”, bà H. nói.
Xét xử nhanh hơn dự kiến
Kết thúc phiên làm việc chiều ngày 15/12, hội đồng xét xử thông báo kế hoạch xét xử có thể thay đổi, dự kiến 18/12 sẽ chuyển qua phần tố tụng khác.
Sau một ngày tạm nghỉ, ngày 15/12, TAND TP.HCM tiếp tục thẩm vấn người bị hại trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP Địa ốc Alibaba liên quan bị cáo Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm.
Do diễn biến thực tế tại phiên tòa dẫn đến kế hoạch xét xử có hỏi có sự thay đổi, phần xét hỏi đối với bị hại theo từng dự án đã bắt đầu từ ngày 12/12, sớm hơn một ngày với dự kiến. Nhiều bị hại không nắm được thông tin, đến tòa theo kế hoạch dự kiến trước đó để tham gia trả lời thẩm vấn, nhưng phần xét hỏi của dự án đó đã kết thúc. Tất cả những trường hợp này đều được thư ký hướng dẫn cập nhật, bổ sung tài liệu để đối chiếu thông tin.
Nguyễn Thái Luyện, CEO Công ty Alibaba cùng các bị cáo tại tòa. |
Trong buổi chiều ngày 15/12, do nhiều bị hại vắng mặt, hội đồng xét xử đã xét hỏi hết các bị hại của 58 dự án “ma” thuộc Công ty địa ốc Alibaba. Tuy nhiên, chủ tọa cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho các bị hại, phiên tòa vẫn tiếp tục xét hỏi những người đã vắng mặt.
Trưa ngày 16/12 sẽ chấm dứt việc nhận đơn của tất cả các đương sự, bất kể trường hợp nào. Sau đó, các đương sự chưa nộp đơn mà đủ tài liệu chứng minh, muốn đòi quyền lợi sẽ giải quyết bằng vụ kiện dân sự khác, như đã thông báo trong các phiên xét hỏi bị hại trước.
Kế hoạch xét xử có thể thay đổi, dự kiến ngày 17/12 là ngày cuối cùng để xét hỏi những bị hại do đường xá xa xôi chưa đến kịp. Đồng thời, giải quyết hết tất cả trường hợp đối với những người bị hại, người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan trong hôm đó. Ngoài ra, hội đồng xét xử dự kiến ngày 18/12 sẽ chuyển qua phần tố tụng khác và sẽ thông báo sau.
Phiên tòa xét xử vụ án Công ty Alibaba lừa đảo khách hàng bắt đầu từ ngày 8/12. Trước đó, do số lượng đương sự đông, để đảm bảo tình hình trật tự và quyền lợi của các đương sự, trong thông báo số 5821/2022/TB-TA ngày 22/11/2022, TAND TP.HCM đã dự kiến kế hoạch xét hỏi đối với các bị hại trong vụ án bắt đầu từ ngày 13/12/2022 và kết thúc vào ngày 21/12/2022. Tuy nhiên, do diễn biến thực tế tại phiên tòa có sự thay đổi, chiều tối ngày 9/12, TAND TP.HCM đã có thông báo sẽ bắt đầu xét hỏi các bị hại thay đổi từ ngày 12/12.