Thời gian công ty xin gia hạn không quá ngày 30/9/2022.
Lý do xin gia hạn được Tân Tạo đưa ra là thay đổi công ty kiểm toán đột ngột vào cuối tháng 7 trong khi thời hạn nộp báo cáo là ngày 30/8. Do đó, công ty kiểm toán không đủ thời gian làm báo cáo, không kịp phát hành báo cáo tài chính soát xét như thời gian như quy định.
Công ty kiểm toán cũ của Tân Tạo là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam. Công ty TNHH DV Tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán phía Nam (Công ty kiểm toán AASCS) sẽ là đơn vị mới tiến hành kiểm toán báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Tân Tạo.
“Đây là trường hợp bất khả kháng mà công ty đang gặp phải. Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện công bố đúng thời hạn như trên, đảm bảo các thông tin để cung cấp chính xác cho nhà đầu tư”, Tân Tạo nhấn mạnh.
Ở một diễn biến khác, ngày 7/9, HoSE thông báo về khả năng cổ phiếu ITA rơi vào diện kiểm soát do Tân Tạo chậm công bố thông tin báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022. Trong đó, ngày 29/8/2022 là thời hạn công bố thông tin báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 căn cứ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 Thông tư 96/2020/TT-BTC.
Tuy nhiên, Tân Tạo đã không công bố thông tin kịp thời và đến nay vẫn chưa công bố báo cáo này. Chính vì vậy, HoSE đã nhắc nhở việc chậm công bố thông tin tại văn bản ngày 30/8/2022.
Thêm nữa, HoSE cũng cho biết khả năng cổ phiếu ITA rơi vào diện kiểm soát. Cụ thể, ngày 26/8/2022, HoSE đã ra Quyết định về việc đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo từ ngày 6/9/2022 do Công ty vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.
HoSE nhấn mạnh sẽ nâng diện xử lý cổ phiếu ITA sang kiểm soát nếu Công ty tiếp tục vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Trước đó, với việc cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo, từ ngày 29/8, cổ phiếu ITA đã được đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Công bố lại báo cáo tài chính quý II/2022
Tân Tạo cho biết Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 đã công bố ngày 29/7/2022 đã trình bày sai chỉ tiêu do hạch toán sai tài khoản giữa phải thu khác và đầu tư khác.
Cụ thể, Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2019, 2020, 2021 và năm 2022 đã thông qua và ủy quyền cho Hội đồng quản trị (Chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến – a.k.a Maya Dangelas đại diện) ra các quyết định hợp tác, liên doanh Dự án Khu dược phẩm công nghệ cao và kính thông minh. Khoản ủy thác đầu tư này tính tới 30/06/2022 là 1.335 tỷ đồng phải hạch toán vào đầu tư khác nhưng kế toán hạch toán nhầm vào phải thu khác dẫn đến nợ phải thu của bà Đặng Thị Hoàng Yến tăng, thực chất đây là khoản ủy thác đầu tư theo như Nghị quyết ĐHĐCĐ đã thông qua.
Ngoài ra, Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 đã thống nhất về việc để bảo vệ lợi ích của các cổ đông từ rủi ro của Dự án điện Kiên Lương do Công ty Cổ phần Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) đầu tư, Bà Đặng Thị Hoàng Yến đồng ý nhận trách nhiệm chuyển nhượng 20,69% cổ phần ITACO nắm giữ tại TEDC tương đương số tiền 1.655 tỷ đồng.
Tính tới 30/06/2022, công tác chuyển nhượng đã hoàn tất, bà Đặng Thị Hoàng Yến đã thanh toán cho Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo số tiền 1.022 tỷ đồng. Số tiền bà Đặng Thị Hoàng Yến còn phải thanh toán cho Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo là 633 tỷ. Như vậy khoản phải thu bà Đặng Thị Hoàng Yến phát sinh là do khoản chuyển nhượng cổ phần nói trên.
Lợi nhuận quý II tăng mạnh
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2022, Tân Tạo ghi nhận doanh thu đạt 309,65 tỷ đồng, tăng 114,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 117,58 tỷ đồng, tăng 5,46 lần so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 49,9% về còn 47,4%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 103,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 74,56 tỷ đồng lên 146,62 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng thêm 9,4 tỷ đồng so với cùng kỳ lên 10,16 tỷ đồng (cùng kỳ 0,76 tỷ đồng); chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 61,8%, tương ứng giảm 21,4 tỷ đồng về 13,25 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Tân Tạo ghi nhận doanh thu đạt 373,19 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 133,98 tỷ đồng, tăng 77,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, Tân Tạo đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 777,69 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 186,85 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 71,7% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính bất ngờ ghi nhận âm 1.114,3 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 126,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 1.014,1 tỷ đồng (chủ yếu do thu hồi đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác với giá trị 1.021,7 tỷ đồng); và dòng tiền tài chính âm 111,28 tỷ đồng.
Được biết, Tân Tạo chưa trải qua năm nào dòng tiền âm kỷ lục như trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, dòng tiền âm lớn nhất là năm 2009 với giá trị âm 1.056,98 tỷ đồng và năm 2015 với giá trị âm 1.057,04 tỷ đồng.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Tân Tạo giảm nhẹ 0,2% so với đầu năm về 13.246,3 tỷ đồng.
Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 3.632,1 tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 3.018,1 tỷ đồng, chiếm 22,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 2.609,9 tỷ đồng, chiếm 19,7% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn đạt 1.936,8 tỷ đồng, chiếm 14,6% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 1.486,5 tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng tài sản và các tài sản khác.
Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 34,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 668,9 tỷ đồng lên 2.609,9 tỷ đồng; các khoản đầu tư tài chính dài hạn giảm 9,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 324,1 tỷ đồng về 3.018,1 tỷ đồng và các biến động khác.
Công ty cho biết thêm, biến động các khoản phải thu chủ yếu do phải thu khác đầu năm 2.094 tỷ đồng, cuối quý II đã tăng lên 2.690,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty không thuyết minh chi tiết các khoản mục cụ thể.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/9, cổ phiếu ITA giảm 190 đồng về 5.880 đồng/cổ phiếu.