Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo là điểm cuối của tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo |
Khó tiếp cận vốn ODA
Phương án huy động vốn đầu tư cho Dự án PPP đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo chắc chắn có sự thay đổi lớn, nếu chiểu theo báo cáo mới nhất về tình hình triển khai công trình vừa được UBND tỉnh Quảng Trị - trong vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền - gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại Báo cáo số 19/BC-UBND do ông Lê Đức Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký, cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án PPP đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đề nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách trung ương trong giai đoạn 2021 - 2030 làm phần vốn nhà nước tham gia công trình, để có thể hoàn thành trước năm 2030 như kế hoạch đề ra.
Cần phải nói thêm, vào tháng 2/2011, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để làm rõ khả năng thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án PPP đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, UBND tỉnh Quảng Trị đã xây dựng cơ cấu nguồn vốn Dự án, trong đó gần như không phụ thuộc vào vốn hỗ trợ từ Trung ương.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị dự kiến vay 3.969 tỷ đồng/tổng mức đầu tư 7.938 tỷ đồng từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Bên cạnh đó, ngân sách địa phương sẽ góp vào Dự án khoảng 800 tỷ đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư. Khoản vốn còn lại trị giá 3.169 tỷ đồng sẽ do nhà đầu tư được chọn thông qua đấu thầu huy động.
Ông Lê Đức Tiến cho biết, nhà tài trợ Nhật Bản hiện rất quan tâm đến việc tài trợ vốn vay cho Dự án, bởi đây là một trong những tuyến đường kết nối Hành lang kinh tế Đông Tây, có khả năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và Lào.
Trên cơ sở đề xuất trên, tháng 4/2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Dự án PPP đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo. Tuy nhiên, sau khi rà soát các quy định hiện hành, đặc biệt là Nghị định số 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, phương án vay vốn ODA Nhật Bản cho Dự án đã không còn tính khả thi.
Cụ thể, Điều 7, Nghị định số 114/2021/NĐ-CP quy định, đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài làm phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP, địa phương sẽ phải vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài theo quy định pháp luật về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Trong bối cảnh ngân sách tỉnh Quảng Trị rất eo hẹp, dự kiến bội chi ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 lên tới hơn 400 tỷ đồng, thì việc vay gần 4.000 tỷ đồng ODA để thực hiện Dự án PPP đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo là quá sức với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Nút thắt vốn hỗ trợ
Được biết, Dự án PPP đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn của UBND tỉnh Quảng Trị như là một trong những động lực tăng trưởng mới của tỉnh Bắc miền Trung này.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng và hoàn thành tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo trong giai đoạn 2026 - 2030 là rất cấp thiết. Tuyến cao tốc này khi hoàn thành, sẽ kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, hàng quá cảnh của tỉnh Quảng Trị với bên ngoài, đồng thời kết nối các trục dọc quốc gia với cửa khẩu quốc tế và cảng biển khu vực.
Đặc biệt, tuyến cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo còn góp phần phá vỡ thế độc đạo của tuyến Quốc lộ 9 để phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra thiên tai, bão lũ.
Một điểm thuận lợi đối với UBND tỉnh Quảng Trị là Dự án PPP đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo đang nhận sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư trong nước. Ngoài Tập đoàn Sơn Hải xin bỏ kinh phí lập đề xuất đầu tư, Dự án còn nhận được sự quan tâm của Tập đoàn T&T, Cienco6 - Conteccons - Thuận Việt, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại 68.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết, doanh nghiệp này vẫn quyết tâm tham gia Dự án. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt để Dự án được triển khai chính là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xác định rõ cơ cấu nguồn vốn, trong đó phần vốn hỗ trợ của Nhà nước phải đáp ứng tối thiểu 40-50% tổng mức đầu tư.
Dự kiến dài 70 km, quy mô 4 làn xe, chạy theo hướng Đông Tây của tỉnh Quảng Trị, điểm đầu đấu nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thuộc địa phận huyện Cam Lộ và điểm cuối nối Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thuộc huyện Hướng Hóa.
Đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch Mạng phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 326-QĐ/TTg ngày 1/3/2016) và Quy hoạch Mạng đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021).