Điểm nóng
Bị yêu cầu kiểm điểm, Cục Thuế Thừa Thiên Huế "nhắc nhở" một số cá nhân
Lê Nguyễn - Linh Đan - 06/08/2023 10:36
Cho rằng, việc không tính hệ số K = 1,1 dẫn đến nộp thiếu phí bảo vệ môi trường đối với các mỏ khoáng sản lộ thiên “trách nhiệm số 1” thuộc về doanh nghiệp, nên Cục Thuế Thừa Thiên Huế chỉ kiểm điểm “nhắc nhở” một số cá nhân.

Cơ quan thuế kiểm tra không phát hiện mới chịu trách nhiệm

Cục trưởng Cục Thuế Thừa Thiên Huế, ông Hà Văn Khoa vừa cho biết, cơ quan này đã tiến hành họp kiểm điểm các cá nhân, đơn vị theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước về việc doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ khoáng sản lộ thiên nộp thiếu phí bảo vệ môi trường do không tính hệ số K = 1,1 trong giai đoạn năm 2017 - 2022.

Cuộc họp này do ông Khoa chủ trì và kết quả không có mức kỷ luật nào được ban hành; không tập thể nào bị kiểm điểm, chỉ thống nhất “nhắc nhở” một số cá nhân trong công tác chuyên môn. 

Cục Thuế Thừa Thiên Huế cho biết thêm, sau khi nhận thông báo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị này đã tiến hành truy thu các doanh nghiệp nộp thiếu phí bảo vệ môi trường khi không tính phí nhân hệ số K = 1,1 (chỉ nhân hệ số K = 1,0), đồng thời tổ chức họp xử lý kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.

Mỏ khoáng sản lộ thiên Mỏ Diều, ở xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế hàng ngày có hàng trăm phương tiện vận chuyển gây ô nhiễm bụi, tan nát đường liên thôn nhưng không được xử lý triệt để. Ảnh: Lê Nguyễn

Theo ông Khoa, cuộc họp được tiến hành “nghiêm túc, bài bản”. Các cá nhân liên quan được được yêu cầu viết bản kiểm điểm của mình. Tuy nhiên, quá trình rà soát tình hình, đối chiếu với các văn bản của ngành, của Luật Quản lý thuế, thì thứ nhất, trách nhiệm của doanh nghiệp là số 1.

“Theo Luật Quản lý thuế, các doanh nghiệp thực hiện theo cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Chừng nào cơ quan thuế chưa kiểm tra, thì doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về sai sót của đơn vị mình. Còn giả sử khi cơ quan thuế đã kiểm tra mà không phát hiện, thì cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm về việc đấy. Trong các trường hợp nho nhỏ ấy, từ hệ số K = 1,0 điều chỉnh lên 1,1 đó thì các cơ quan thuế chưa đi kiểm tra.”, ông Khoa nói.

Cũng theo vị đứng đầu ngành thuế Thừa Thiên Huế, thực tế, các doanh nghiệp sai phạm số tiền “không lớn” và ngân sách hầu như không thất thoát, vì sau khi có kết luận của Kiểm toán Nhà nước, doanh nghiệp đã khắc phục hết. Có 9/10 đơn vị doanh nghiệp đã truy thu đầy đủ theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, chỉ còn vướng mắc một doanh nghiệp chưa thu hồi với số tiền hơn 70 triệu đồng là Công ty cổ phần Xây dựng 939 (đóng ở đường Tam Thai, TP.Huế) do chủ... bỏ trốn.

“Doanh nghiệp chưa cập nhật kiến thức”

Như Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn đã thông tin, hồi tháng 4/2023, Kiểm toán Nhà nước có thông báo kết luận công tác kiểm toán tại Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế, qua đó đề nghị cơ quan này kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chưa kiểm tra, phát hiện kịp thời dẫn đến các doanh nghiệp khi tính phí bảo vệ môi trường không nhân hệ số K = 1,1 đối với các mỏ khoáng sản lộ thiên theo quy định.

Thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước và chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Cục Thuế Thừa Thiên Huế đã tiến hành truy thu đối với doanh nghiệp trong danh sách bị cơ quan kiểm toán đề nghị truy thu. Theo đó, có 10 doanh nghiệp bị truy thu do không tính hệ số K = 1,1 đối với phí bảo vệ môi trường trong giai đoạn từ năm 2017 - 2022, với tổng số tiền là hơn 309 triệu đồng. Trong số này có 9 doanh nghiệp đã hoàn tất vị truy thu với số tiền hơn 239 triệu đồng.

Riêng Công ty cổ phần Xây dựng 939 (đường Tam Thai, TP. Huế) bị đề nghị truy thu hơn 70 triệu đồng, nhưng cơ quan thuế không liên lạc được do chủ doanh nghiệp bỏ trốn (đã được Cục Thuế Thừa Thiên Huế công bố trên website toàn ngành trước thời điểm Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán tại đơn vị).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 10 doanh nghiệp nộp thiếu phí bảo vệ môi trường khi không tính hệ số K = 1,1 (chỉ tỉnh K = 1,0) có nhiều doanh nghiệp có “tên tuổi” trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản tại tỉnh Thừa Thiên Huế như: Công ty cổ phần Vận tải Hùng Đạt,  Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Liêm, Công ty TNHH Hoàng Ngọc, Công ty cổ phần Lâm nghiệp 1-5, Công ty cổ phần Xây dựng 939, Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Lộc An, Công ty TNHH Tuấn Vũ (2 năm), Công ty Thiên Phúc, Công ty Trường An, HTX Niềm Tin…

Trong số những doanh nghiệp này, có nhiều doanh nghiệp nộp thiếu phí bảo vệ môi trường không nhân hệ số K = 1,1 từ 2 - 3 năm, trong đó có doanh nghiệp như Công ty Hùng Đạt thiếu khoản phí này đến 3 năm (2019, 2020, 2021).

Thế nhưng, ngành thuế Thừa Thiên Huế vẫn không phát hiện. Mãi đến khi Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, khoản phí này mới được tính theo quy định và truy thu.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán đối với ngành thuế Thừa Thiên Huế liên quan việc tính phí bảo vệ môi trường theo hệ số K = 1,1 tại các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ khoáng sản lộ thiên là chiếu theo Nghị định 164/2016/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2017 (tức cách đây 6 năm).

Thế nhưng, ông Khoa cho rằng, chính sách tính phí bảo vệ môi trường hệ số K = 1,1 là tương đối mới, nên doanh nghiệp, người dân chưa cập nhật kiến thức.

Ông Khoa cũng cho biết, riêng về công tác phổ biến chính sách, pháp luật về thuế, ông Khoa phân trần là hằng năm Cục Thuế Thừa Thiên Huế tổ chức hai cuộc đối thoại của doanh nghiệp đầu năm và cuối năm tại Cục cũng như các Chi cục. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp không đi nghe, trách nhiệm của kế toán doanh nghiệp, nhưng họ cũng không nắm bắt chính sách thuế.

Ngoài ra, Cục Thuế còn có một số phương thức tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế trên một số phương tiện truyền thông, website, báo đài. Ông Khoa khẳng định, các văn bản chính sách mới đều đăng phát trên các phương tiện đó, tuy nhiên, vẫn có những kế toán không nắm bắt hết, nhất là những khoản phí nhỏ có thể họ không để ý, cụ thể là từ hệ số K = 1,0 lên K = 1,1 của cách tính phí bảo vệ môi trường đối với mỏ khoáng sản lộ thiên.

Mặt khác, theo ông Khoa, do phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thường chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số các loại thuế phải nộp ngân sách Nhà nước, nên các cán bộ cơ quan thuế thường tập trung vào phân tích hồ sơ các khoản thuế lớn, như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…, nên bỏ sót cách tính phí “hệ số K = 1,1”.

Từ những phân tích này, Cục Thuế Thừa Thiên Huế kết luận “chưa phát hiện hoặc chưa có dư luận về việc xảy ra sai sót nêu trên là vì động cơ vụ lợi cá nhân.”.

Pháp luật quy định quản lý, sử dụng phí bảo vệ môi trường thế nào?

Theo Điều 8, Nghị định 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, như sau:

- Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật bảo vệ môi trường và Luật ngân sách nhà nước, theo các nội dung cụ thể sau đây:

+ Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản;

+ Khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra;

+ Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tái tạo cảnh quan môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản.

+ Nơi có hoạt động khai thác khoáng sản quy định tại khoản này là nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản theo địa bàn quản lý của cấp xã và cấp huyện.

67 quyết định thanh tra, kiểm tra vẫn không phát hiện “thiếu” hệ số K?

Theo thông tin mà chúng tôi thu thập được, trong giai đoạn mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra các doanh nghiệp khi tính phí bảo vệ môi trường không nhân hệ số K=1,1 đối với các mỏ khai thác lộ thiên, do đó đã tính và nộp phí bảo vệ môi trường thiếu theo quy định.

Hằng năm, Cục Thuế Thừa Thiên Huế đều lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra các đơn vị có hoạt động khoáng sản. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2016 - 2021 (giai đoạn kiểm toán là 2017 - 2022), Cục Thuế Thừa Thiên Huế đã ban hành 67 quyết định thanh tra, kiểm tra các đơn vị khai thác tài nguyên khoáng sản.

Tuy vậy, Cục trưởng Cục thuế Thừa Thiên Huế Hà Văn Khoa cho rằng, do cơ quan thuế chưa kiểm tra, nên không phát hiện việc thiếu sót này (đối với 10 doanh nghiệp được nêu - PV), nên để xảy ra sai sót “trách nhiệm số 1” là thuộc về doanh nghiệp (!?)

Tin liên quan
Tin khác