Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4%
Trong khi doanh nghiệp cùng ngành là Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đẩy mạnh cắt tối đa các chi phí như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, thì tại Habeco, tỷ lệ cắt thấp hơn.
Cụ thể, các chi phí trong quý I/2020 của Habeco không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước như chi phí bán hàng chỉ giảm 3% xuống 185 tỷ đồng hay chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 4%, lên 81 tỷ đồng; trong khi đó, Sabeco giảm các chi phí này từ 15-20%.
Về doanh thu, quý đầu năm nay, Habeco ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 774 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2019, Habeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 501,8 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Habeco đưa ra một số nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh năm 2019 như tăng trưởng của ngành bia đã chững lại.
Nhiều sản phẩm bia nhập khẩu được người tiêu dùng có tâm lý sính ngoại chọn lựa. Cùng với đó, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt.
Các thương hiệu lớn ở thị trường miền Nam đã đầu tư phát triển mạnh ra miền Bắc- thị trường chính của Habeco.
Thực tế, các mẫu mã sản phẩm Habeco hiện có đều cũ, ít thay đổi, tạo cảm giác cũ kỹ đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các sản phẩm mang thương hiệu này chủ yếu là dòng sản phẩm bình dân, tập trung vào bia chai Hà Nội 450 ml và bia hơi.
90% sản lượng bia được tiêu thụ của Habeco đều đến từ phân phân khúc phổ thông, tỷ suất lợi nhuận thấp.
Sản xuất bia thủ công trong năm nay
Năm 2019, Habeco đưa ra thị trường 2 sản phẩm mới là Hanoi Bold và Hanoi Light và dự kiến ra mắt thêm 3 sản phẩm mới trong năm nay với quy mô thử nghiệm một số bia Craft (bia thủ công).
Cùng với đó, Habeco dự kiến cải tiến nhãn mác, ra mắt một số hình thức đóng gói mới.
Ngoài ra, Habeco sẽ giao thêm khu vực thị trường miền Trung cho Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Hà Nội Thanh Hoá với mục tiêu củng cố thị trường và lấy lại thị phần.
Năm 2020 được xác định là năm khó khăn với thị trường sản xuất, kinh doanh bia, rượu do phải chịu tác động kém bởi Luật Phòng chống tác hại rượu bia từ Nghị định 100/2019/NĐ-CP và đại dịch bùng phát khiến nhiều nhà hàng, khu du lịch tạm ngừng hoạt động.
Habeco sẽ xây dựng kế hoạch kinh doanh năm báo cáo Bộ Công thương có ý kiến chỉ đạo sẽ trình Đại hội cổ đông xem xét thông qua.
Tổng công ty này hiện có 26 công ty thành viên, trong đó có 16 công ty chiếm tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ, 06 công ty có tỷ lệ sở hữu từ 20%-50%.
Ngoài cổ đông lớn nhất đang nắm 81,79% vốn là Bộ Công thương, Habeco có cổ đông chiến lược là Công ty TNHH Thương mại Carlsberg (thuộc Carlsberg Breweries A/S) nắm 17,51% vốn.
Tính đến cuối năm 2019, Habeco có 634 lao động cùng thu nhập bình quân trong năm là 17,41 triệu đồng/người/tháng (tăng 11% so với cùng kỳ).