Doanh nghiệp
Bìa kẹp hồ sơ Việt Nam bị Mỹ cáo buộc bán phá giá từ 182,67 - 236,38%
Thế Hải - 09/11/2022 16:09
Sau khi nhận đơn đề nghị điều tra từ ngành sản xuất trong nước được ít ngày, Mỹ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ nhập khẩu từ Việt Nam.
Mỹ cáo buộc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bán phá giá với biên độ từ 182,67 - 236,38%.

Trên cơ sở đơn đề nghị điều tra ngày 12/10/2022 của ngành sản xuất nội địa Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa tiến hành khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm bìa kẹp hồ sơ nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ (riêng Ấn Độ bị yêu cầu điều tra thêm chống trợ cấp).

Nguyên đơn trong vụ việc này là Liên minh các nhà sản xuất bìa kẹp hồ sơ Mỹ (Coalition of Domestic Folder Manufacturers, gồm 2 công ty Smead Manufacturing Company, và TOPS Products LLC).

Hàng hóa bị điều tra là bìa kẹp hồ sơ có mã HS 4820.30.0040, 4820.30.0020, Thời kỳ điều tra dành cho Việt Nam từ ngày 1/4 tới 30/9/2022. Biên độ bán phá giá cáo buộc với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam từ 182,67 - 236,38%.

Dữ liệu sơ bộ từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) cho thấy, trong giai đoạn 2019-2021, trị giá xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam vào Mỹ tăng hơn 5 lần, từ 6 triệu USD năm 2019 lên gần 31 triệu USD năm 2021.

DOC đã ban hành bản câu hỏi Lượng và Giá trị (Q&V questionnaires) cho 9 doanh nghiệp bị nêu tên trong đơn đề nghị điều tra nhằm thu thập thông tin để lựa chọn bị đơn bắt buộc trong vụ việc.

Thời hạn để các doanh nghiệp trả lời bản câu hỏi Q&V của DOC là trước 5 giờ chiều (Giờ miền Đông nước Mỹ) ngày 15/11/2022. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp có thể gửi thư xin gia hạn và giải trình lý do trực tiếp tới DOC. 

Dự kiến, DOC sẽ lựa chọn bị đơn bắt buộc trong vòng 20 ngày kể từ ngày công bố thông báo khởi xướng điều tra. Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) sẽ ban hành kết luận sơ bộ về vấn đề thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa  trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận đơn đề nghị điều tra.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm liên quan cần chủ động xác định chiến lược kháng kiện phù hợp với doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu;

Doanh nghiệp cần hợp tác đầy đủ với DOC trong suốt quá trình diễn ra vụ việc. Bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Mỹ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất cho doanh nghiệp;

Chủ định đăng ký tài khoản IA ACCESS tại cổng thông tin điện tử của DOC (https://access.trade.gov/login.aspx) nhằm cập nhật thông tin và nộp các văn bản, tài liệu liên quan tới cơ quan điều tra Mỹ

Doanh nghiệp cần đọc kỹ hướng dẫn của DOC để trả lời và nộp bản trả lời câu hỏi Q&V theo đúng định dạng và thời hạn quy định (hoặc xin gia hạn nếu cần thiết và phải được DOC đồng ý).

Các doanh nghiệp đã trả lời bản câu hỏi Q&V này nhưng không được lựa chọn làm bị đơn bắt buộc có thể nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ (separate rate). Trong các vụ việc trước đây DOC điều tra, nếu doanh nghiệp không trả lời bản câu hỏi Q&V thì không được DOC xem xét hưởng thuế suất riêng rẽ.

Tin liên quan
Tin khác