Sức khỏe doanh nghiệp
Bia Sài Gòn miền Tây kỳ vọng bán ra 128 triệu lít bia trong năm nay
Hồng Phúc - 27/03/2021 09:22
Ban lãnh đạo công ty bia Sài Gòn miền Tây đặt mục tiêu bán ra 128 triệu lít bia trong năm nay, tăng 19% so với kết quả năm 2020.

Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang sở hữu trên 7,39 triệu cổ phiếu, tương đương 51% vốn điều lệ Công ty cổ phần bia Sài Gòn miền Tây (mã: WSB).

Ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco cũng là Chủ tịch HĐQT bia Sài Gòn miền Tây- có trụ sở chính tại khu công nghiệp Trà Nóc, Thành phố Cần Thơ, với 211 lao động toàn công ty. Giám đốc công ty là ông Lê Đăng Khoa (sinh năm 1967), từng là cán bộ giảng dạy tại đại học Cần Thơ. 

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 01/01/2021 và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạo được ban lãnh đạo bia Sài Gòn miền Tây cho là nguyên nhân chính khiến tình hình tiêu thụ của công ty trong năm qua sụt giảm.

Đánh giá về thị trường năm nay, ban giám đốc công ty này đánh giá, “nhiều khả năng thị trường ngành bia dự kiến sẽ khởi sắc hơn trong năm 2021 do người dân đã thay đổi thói quen tiêu dùng để thích nghi tốt hơn với những quy định của pháp luật và sự tin tưởng của người dân vào công tác kiểm soát dịch bệnh của Nhà nước”. 

Trong khi đó, HĐQT bia Sài Gòn miền Tây lại cho rằng, “năm 2021, thị trường bia rượu vẫn còn rất nhiều thách thức, thị trường tuy sẽ dịch chuyển theo xu hướng phục hồi nhưng còn rất chậm, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn”. 

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Bia Sài Gòn miền Tây sẽ diễn ra vào ngày 15/04 tới, tại TP.HCM. 

Ngoài việc trình tại Đại hội về kế hoạch kinh doanh, đầu tư trong năm nay, HĐQT công ty này dự kiến trình phương án chia cổ tức 50% tương đương 72,5 tỷ đồng thay vì 30% tương đương 43,5 tỷ đồng như dự kiến hồi đầu năm. 

Bảng: Một số chỉ tiêu kinh doanh năm nay của bia Sài Gòn miền Tây và kết quả 2 năm liền kề.

Chỉ tiêu

Đvt

Kế hoạch 2021

Thực hiện 2020

Thực hiện 2019

Sản lượng tiêu thụ

Triệu lít

128

107.6

133.6

Tổng doanh thu

Triệu đồng

994.5

831.7

1.040

LNTT

Triệu đồng

134.7

126.4

181.3

LNST

Triệu đồng

118.4

114.3

161.2

Tiền thân của bia Sài Gòn miền Tây là nhà máy bia Sài Gòn – Cần Thơ, thành lập năm 2000, trực thuộc Tổng Công ty Bia – Rượu – nước giải khát Sài Gòn và nhà máy bia Sài Gòn – Sóc Trăng thành lập năm 1995.

Đến năm 2006, bia Sài Gòn – Cần Thơ và bia Sài Gòn – Sóc Trăng hợp nhất thành Công ty cổ phần bia Sài Gòn – miền Tây, với vốn điều lệ là 145 tỷ đồng và cổ phiếu WSB được niêm yết trên sàn UPCOM vào 4 năm sau đó. 

Sản phẩm của công ty này chủ yếu được tiêu thụ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng,…

Trong năm qua, doanh thu từ bán sản phẩm bia Sài Gòn vẫn là nguồn thu chính với tỷ trọng 98%, tương tự năm 2019. Theo sau đó là hèm bia và phế liệu. 

Cơ cấu doanh thu năm 2019 và 2020 của bia Sài Gòn miền Tây.

Về cơ cấu chi phí sản xuất, chi phí nguyên vật liệu luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất, bình quân khoảng 71%. 

Những năm vừa qua, thực phẩm đồ uống luôn là ngành có tốc độ phát triển mạnh mẽ và cũng là một trong những ngành hấp dẫn nhất tại thị trường Việt Nam. 

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là nước tiêu thụ bia lớn thứ 3 châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. 

Do đó, các thương hiệu bia ngoại như bia Heineken, Tiger, Budweiser,… đã vào thị trường bia Việt Nam, đầu tư xây dựng nhà máy, cùng với các chiến lược marketing toàn cầu để tăng thị phần và tạo áp lực cạnh tranh gay gắt lên các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước như bia Sài Gòn miền Tây, Sabeco,… 

Ngoài ra, xu hướng tiêu thụ của người tiêu dùng ngày càng tăng, tập trung nhiều hơn vào các dòng sản phẩm cao cấp, nâng cao sức khỏe sẽ thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các sản phẩm bia nhẹ, bia không cồn. 

Đây là những thách thức cạnh tranh với bia Sài Gòn miền Tây nói riêng. 

Các thương hiệu bia ngoại như Tiger tạo áp lực cạnh tranh gay gắt lên các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước như bia Sài Gòn miền Tây (Ảnh minh hoạ: Hồng Phúc).

Ban lãnh đạo doanh nghiệp này đánh giá 2020 là một năm thật sự khó khăn đối với ngành bia do bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự bùng phát đại dịch Covid-19 và gọng kìm pháp lý dẫn đến sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia đều sụt giảm đáng kể.

Cụ thể, trong số các ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhu cầu tiệu thụ bia bị ảnh hưởng tiêu cực hơn cả, bởi dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2020 (giảm 3,6%, 22,9%, 11,9% so với cùng kỳ trong quý I – III năm 2019). 

Ngoài ra, Nghị định số 100 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ đầu năm ngoái, áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm khắc. 

Đồng thời, Nghị định số 24 đưa ra các quy định khắt khe hơn trước về quảng cáo rượu bia, hạn chế sử dụng hình ảnh rượu bia.

Thêm vào đó, quý II/2020 là quý “đóng băng” đối với thị trường ngành bia Việt Nam do chính sách giãn cách xã hội trên toàn quốc trong ba tuần đầu tiên của tháng 4 và do các cơ sở kinh doanh đồ uống - được xếp vào nhóm “dịch vụ không thiết yếu” bị yêu cầu đóng cửa trong thời gian dài hơn các cơ sở kinh doanh khác (giữa tháng 3 đến đầu tháng 6). 

Điều này đã tác động đến phương thức bán hàng bia qua kênh on–trade (hình thức tiêu thụ ngay tại địa điểm mua, thường là các nhà hàng, khách sạn, quán bia,…) chiếm tỷ trọng tới 70% doanh thu của doanh nghiệp này. 

Những nguyên nhân trên đã làm điều chỉnh phần nào thói quen uống bia rượu của người dân Việt Nam đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các công ty sản xuất và thương mại bia. 

Tin liên quan
Tin khác