Ngân hàng
BIDV: Quý II lãi mạnh nhờ chứng khoán, lợi nhuận 6 tháng vẫn giảm 5,4%
T.L - 31/07/2020 16:26
Lợi nhuận trước thuế của BIDV trong quý II/2020 tăng 20,6% khiến lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng chỉ còn giảm 5,4%, thay vì mức giảm 28% trong quý 1/2020.
Lợi nhuận BIDV 6 tháng đầu năm đạt 4.454 tỷ đồng

Quý II/2020: Lợi nhuận tăng gần 21% nhờ kinh doanh chứng khoán

Ngân hàng TMCP BIDV (mã BID) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020. Tính đến 30/6/2020, tín dụng của BIDV vẫn tăng hơn 2% song lợi nhuận từ hoạt động cho vay lại tăng trưởng âm (giảm 24% so với cùng kỳ). Nguyên nhân là do thu nhập từ lãi giảm tới 5,5% trong khi chi phí từ lãi lại tăng tới 4,6%.

Sở dĩ mảng cho vay của BIDV hiệu quả thấp là do thời gian qua, BIDV giảm lãi suất đầu ra hỗ trợ khách vay trong khi chi phí vốn đầu vào đắt đỏ hơn. Nguồn vốn rẻ (tiền gửi không kỳ hạn) của BIDV tại thời điểm 30/6/2020 giảm nhẹ, trong khi nguồn vốn giá cao hơn như tiền gửi có kỳ hạn và giấy tờ có giá tăng mạnh, đặc biệt chứng chỉ tiền gửi tăng tới 28%.   

Điểm sáng của BIDV trong quý II/2020 là các lợi nhuận của các hoạt động kinh doanh ngoài lãi tăng mạnh.  Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 7,8% khi đạt 1.178 tỷ đồng, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng nhẹ lên 413 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán tăng rất mạnh: Lợi nhuận từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh gấp 5 lần cùng kỳ, đạt 240 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 797 tỷ đồng, tăng gấp tới 6,3 lần so với cùng kỳ.

Cùng với hiệu quả từ hoạt động kinh doanh ngoài lãi khả quan, BIDV tiếp tục thành công khi cắt giảm mạnh chi phí hoạt động tới 26%. Ngoài ra, trong quý II/2020, ngân hàng cũng giảm 6% trích lập dự phòng rủi ro. Những yếu tố này khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý II/2020 vẫn đạt gần 2.640 tỷ đồng, tăng 20.6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ giảm lợi nhuận đã chậm lại, nợ xấu không tăng đột biến

Với kết quả kinh doanh khả quan trong quý I/2020, luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của BIDV là 4.454 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. So với mức suy giảm lợi nhuận 28% so với cùng kỳ hồi quý I/2020, tốc độ suy giảm lợi nhuận của BIDV đã chậm lại.

Nguyên nhân của sự suy giảm trong 6 tháng đầu năm vẫn là tín dụng. Cụ thể, lũy kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của BIDV giảm 8,8% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động khác của ngân hàng giảm 29% xuống còn 1.699 tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng chính trong 6 tháng đến từ các hoạt động kinh doanh ngoài lãi: Lãi thuần từ dịch vụ tăng tăng 15% đạt 2.264 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 13% đạt 832 tỷ đồng.  Lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh 6 tháng đạt 421 tỷ đồng, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi 668 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ bị lỗ 264 tỷ đồng. 

Trong 6 tháng, chi phí dự phòng của BIDV giảm nhẹ 5,6% xuống 10.142 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận ngân hàng không bị tuột dốc.    

Về chất lượng nợ cho vay, nợ xấu tuyệt đối của BIDV tăng 16,7% lên tới 22.768 tỷ đồng, đáng lưu ý là nợ có khả năng mất vốn chiếm hơn 13.342 tỷ đồng (tăng 17% so đầu kỳ). Tương ứng tỷ lệ nợ xấu của BIDV tăng từ 1,74% lên gần 2%. Hiện BIDV đã tất toán toàn bộ trái phiếu tại VAMC.   

BIDV cho biết, thời giant ới, ngân hàng sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình hệ thống, rà soát mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 để điều hành hoạt động kinh doanh theo hướng tập trung gia tăng các nguồn thu phi lãi, tăng cường các dịch vụ ngân hàng điện tử, tối đa hóa các nguồn thu và kiểm soát chi phí.

Tin liên quan
Tin khác