Với nhiều tính năng vượt trội, sử dụng Big Data sẽ cải thiện kết quả kinh doanh |
Xu hướng mới nhất trong ứng dụng công nghệ như Big Data, Cloud vào quản trị và kinh doanh sẽ được thảo luận tại Hội thảo “SMAC 2015: Kết nối giá trị - Khơi dậy tiềm năng” do MobiFone tổ chức vào 2/12/2015 tại Gem Center (TP.HCM).
Tương tự với phương thức phân tích trước đây, Big Data (Dữ liệu lớn) cũng chính là việc thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, theo Gartner, Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, khác biệt mấu chốt của Big Data nằm ở sự tăng trưởng dữ liệu ở 5 khía cạnh (5 Vs): vượt trội về dung lượng (Volume), ưu việt về tốc độ xử lý (Velocity), gia tăng về chủng loại (Variety), độ chính xác (Veracity) và giá trị thông tin cao (Value).
Theo Tạp chí Kinh doanh Harvard, chỉ tính tới năm 2012, đã có đến 2,5 tỷ Gigabytes dữ liệu được tạo ra và cứ sau khoảng 40 tháng, con số khổng lồ đó sẽ tiếp tục tăng lên gấp đôi. Bên cạnh tăng trưởng về dung lượng và tốc độ, hình thức lưu trữ và các chủng loại dữ liệu cũng ngày càng đa dạng hơn. Chúng không chỉ là các dạng dữ liệu có cấu trúc, mà giờ phần lớn dữ liệu được sinh ra và tồn tại dưới dạng phi cấu trúc, như các tin nhắn, cập nhật, tin nhắn thoại trên mạng xã hội, hay thư điện tử.
Hiện nay, khi chi phí lưu trữ đã giảm xuống đáng kể, thì việc làm thế nào để nhận dạng, cũng như phân tích dữ liệu để tạo ra giá trị lợi ích phục vụ cho mục đích kinh doanh lại là câu hỏi lớn đầy hứng khởi. Một câu hỏi thường được doanh nghiệp đặt ra là: “Dựa vào đâu chúng tôi biết chắc rằng, sử dụng Big Data sẽ cải thiện kết quả kinh doanh?”. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh về giá trị của việc sử dụng dữ liệu và quyết định dựa trên phân tích dữ liệu sẽ làm kết quả kinh doanh khả quan hơn.
Các nhóm nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã tìm ra được mối quan hệ giữa Big Data và kết quả kinh doanh: Tình hình tài chính được cải thiện khi mức độ phân tích dữ liệu tăng lên. Các con số cho thấy, hiệu suất, lợi nhuận hay giá trị cổ phiếu trên thị trường cũng tỷ lệ thuận với mức độ sử dụng dữ liệu.
Liệu các doanh nghiệp có nhận thấy lợi ích thiết thực như vậy và đang hòa nhập vào xu thế Big Data không? Big Data sẽ có ảnh hưởng ra sao đến công tác quản lý doanh nghiệp? Theo EMC, công ty hàng đầu thế giới chuyên cung cấp giải pháp công nghệ phục vụ quản trị doanh nghiệp, Big Data mang lại một loạt lợi ích cho doanh nghiệp:
Đối thoại với khách hàng
Trong thời đại hiện nay, khách hàng thường rất khó tính. Họ tìm hiểu kỹ càng trước khi mua, sau đó kể toàn bộ “câu chuyện mua hàng” của mình trên mạng xã hội, rồi lại đòi hỏi được đối xử thật đặc biệt và phải được cảm ơn thật chân thành vì đã chọn sản phẩm. Big Data giúp doanh nghiệp xác định những yêu cầu khó nhằn này, đồng thời tác động đến những “thượng đế” một cách thông minh. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể đối thoại trực tiếp với từng khách hàng. Điều này cũng không quá cao sang gì, bởi nếu doanh nghiệp không đối xử họ theo cách khách hàng muốn, họ sẽ chào tạm biệt ngay trong chớp mắt.
Giả dụ: khi một người bước vào ngân hàng, các công cụ của Big Data sẽ cho phép nhân viên kiểm tra hồ sơ của người đó ngay tức khắc, giúp họ xác định sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan mà người đó cần tư vấn. Big Data cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối không gian bán hàng thực và kỹ thuật số: doanh nghiệp có thể kịp thời cung cấp dịch vụ qua mạng di dộng, dựa theo những nhu cầu cụ thể khách hàng đã chia sẻ trên mạng xã hội.
Tái cơ cấu sản phẩm
Big Data còn giúp nhìn nhận sản phẩm của mình trên nhiều phương diệu khác nhau, từ đó điều chỉnh sản phẩm hoặc chiến lược marketing của doanh nghiệp cho phù hợp. Các dữ liệu phân tích nội dung chia sẻ trên mạng xã hội cũng giúp nhà quản lý nắm được tâm tư, tình cảm của khách hàng, và có thể phân loại theo vị trí địa lý hoặc theo các nhóm nhân khẩu học khác nhau.
Đối với các nhà thiết kế và sản xuất, Big Data cũng cho phép thử nghiệm hàng nghìn phiên bản thiết kế khác nhau trên máy tính chỉ trong giây lát, cho phép kiểm tra những thay đổi nhỏ nhất, như sự ảnh hưởng của vật liệu tới giá thành, thời gian vận hành và hiệu suất. Từ đó, giúp tăng tính hiệu quả của quá trình sản xuất.
Phân tích rủi ro
Thành công không chỉ phụ thuộc vào phương thức điều hành công ty. Các yếu tố xã hội và kinh tế cũng là những ảnh hưởng quan trọng. Những phân tích mang tính dự đoán, được thực hiện bởi Big Data, cho phép nhà quản lý điểm qua và phân tính những bản báo cáo tin tức hoặc bảng tin mạng xã hội, giúp họ cập nhật những diễn biến mới trong ngành và môi trường xung quanh. Bài kiểm tra sức khỏe chi tiết về các nhà cung cấp hoặc khách hàng cũng là một tính năng vượt trội của Big Data. Nó giúp lãnh đạo doanh nghiệp có thể hành động ngay khi một trong số nhà cung cấp hoặc khách hang đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Lưu trữ giữ liệu an toàn
Nhà quản lý có thể yêu cầu một bản đồ dữ liệu toàn diện cho cả công ty với các công cụ của Big Data, từ đó đánh giá những mỗi đe dọa ngay trong nội bộ, phát hiện những thông tin nhạy cảm đang được bảo vệ một cách sơ sài, và tinh chỉnh lại để lưu trữ chúng đúng quy định. Lấy ví dụ, với phân tính tức thời của Big Data, bạn có thể đánh dấu những nơi lưu trữ và truyền thông tin về các dãy số gồm 16 chữ số (có thể là thông tin của thẻ tín dụng) ra ngoài, để từ đó điều tra cụ thể hơn.
Nguồn doanh thu mới
Những dữ liệu bạn thu được từ thị trường và khách hàng của mình qua Big Data không chỉ có giá trị với riêng doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp có thể quyết định bán chúng dưới dạng tệp thông tin tổng quan cho những nhà kinh doanh lớn cùng ngành, và tạo ra một nguồn thu hoàn toàn mới. Một trong những ví dụ tiêu biểu là Shazam, ứng dụng xác định bài hát. Nó giúp các hãng thu âm xác định những nơi thu hút cộng đồng yêu âm nhạc qua việc sử dụng ứng dụng, bao gồm cả địa điểm được cung cấp trên các thiết bị di động. Nhờ vậy, các hãng thu âm có thể tìm kiếm và ký kết với những nghệ sĩ mới tiềm năng, hoặc tái quảng bá những nghệ sĩ hiện tại của mình.
Tùy chỉnh trang web tức thời
Phân tích của Big Data giúp doanh nghiệp tùy chỉnh nội dung hoặc thiết kế trên trang web của mình ngay lập tức để phù hợp với từng đối tượng khách hàng truy cập, dựa theo giới tính, quốc tịch và nguồn họ dược dẫn đến trang web của bạn v.v... Ứng dụng phổ biến nhất là để cung cấp gợi ý cho khách hàng: như cách Amazon sử dụng bộ lọc kết hợp dựa trên sản phẩm của mình để tạo chức năng “Những sản phẩm hay được mua chung” và “Khách hàng mua sản phẩm này cũng thưởng mua” của mình; hoặc như cách Linkedin gợi ý “Người bạn có thể biết” hoặc “Công ty bạn có thể muốn theo dõi” chẳng hạn. Sự thật chứng mình cách tiếp cận đó rất hiệu quả, bởi Amazon đã tăng được 20% doanh thu của mình nhờ phương thức này.
Xây dựng hệ thống y tế tân tiến
Chúng ta đang sống trong một thế giới mang tính cá nhân hóa rất cao, nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe lại là một trong những lĩnh vực vẫn còn sử dụng phương pháp tiếp cận tổng quan. Khi một người bị chẩn đoán ung thư, họ phải trải qua một đợt trị liệu nhất định và nếu nó không thành công, bác sĩ sẽ phải thử nghiệm một phương pháp điều trị khác. Nhưng, nếu bệnh nhân ung thư được uống thuốc đặc chế theo cấu tạo gen của người đó thì sao? Phương pháp này chắc chắn sẽ dẫn đến một kết quả khả quan hơn, với chi phí thấp hơn, khả năng thất bại thấp hơn và giảm thiểu nỗi lo sợ của bệnh nhân.
Với kỹ thuật lập bản đồ gen và công cụ của Big Data, việc sở hữu một bản đồ gen của riêng mình trong hồ sơ y tế sẽ sớm trở nên phổ biến. Điều này giúp y học tiến gần hơn tới việc xác định yếu tố di truyền gây bệnh mà đặc chế ra loại thuốc dành riêng cho những nguyên nhân đó – hay nói cách khác là những loại thuốc được cá nhân hóa.