Trước đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư được tác ra các dự án thành phần do 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên cùng tổ chức thực hiện. Riêng tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Bình Định gần 28 ha. Dự án này ảnh hưởng trực tiếp đến 46 hộ dân và 4 đơn vị. Theo kế hoạch, công tác giải phóng mặt bằng công trình hầm đèo Cù Mông cơ bản hoàn tất trong năm 2016.
Lễ động thổ hầm đèo Cù Mông |
Dự án hầm đèo Cù Mông được Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung vào Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả vào tháng 4/2015 và được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) và BT (đầu tư - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỉ đồng.
Công trình này có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 6,6 km. Trong đó, đoạn hầm đường bộ qua đèo Cù Mông dài khoảng 2,6 km. Dự án có điểm đầu km 1239+119 Quốc lộ 1 tại phía Bắc đèo Cù Mông (TP Quy Nhơn, Bình Định); điểm cuối km 1247+739 Quốc lộ 1 tại phía Nam đèo Cù Mông (TX Sông Cầu, Phú Yên).
Dự án được đầu tư phân kỳ, trong đó giai đoạn 1 sẽ xây dựng 2 ống hầm nhưng hoàn thiện 1 ống hầm (phía Tây) để khai thác 2 chiều. Đường dẫn làm nền đường rộng 20,5m, mặt đường 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp rộng 11,5m, công trình thoát nước hoàn thiện theo quy mô nền đường 20,5m. Riêng công trình cầu hoàn thiện 1 đơn nguyên (phía Tây) cho 2 làn xe. Dự án này còn đầu tư xây dựng các công trình phòng hộ, an toàn giao thông, hệ thống điện cung cấp, trung tâm điều hành giao thông, hệ thống cảnh quan chiếu sáng.v.v.
Đoạn tuyến Quốc lộ 1 qua đèo Cù Mông lâu nay có chiều dài đường đèo 8,5 km. Đoạn này có địa hình núi hiểm, vực sâu, dốc cao, nhiều đường cong gấp khúc đổi hướng liên tục và chỉ có 1 làn xe mỗi chiều. Đây là nguyên nhân khiến cho đoạn tuyến này trở thành điểm đen về ùn tắc và tai nạn giao thông. Do vậy, Dự án hầm đèo Cù Mông được xây dựng hoàn thành giúp rút ngắn hành trình, tiết kiệm thời gian và chi phí và giảm thiểu tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1.