Đầu tư
Bình Định đề xuất xây cảng chuyên dụng Khu Liên hợp gang thép Long Sơn
Nguyễn Toàn - 28/05/2023 12:14
Dự án Cảng chuyên dùng Khu Liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 được xây dựng, hoạt động góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội thị xã Hoài Nhơn và tỉnh Bình Định.
Bình Định đề xuất đầu tư cảng chuyên dùng để phục vụ Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn. Ảnh phối cảnh Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn.

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án Đầu tư cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1.

Về sự cần thiết đầu tư, UBND tỉnh Bình Định cho biết, Dự án Đầu tư cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn được Công ty cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đề xuất với tổng vốn đầu tư dự kiến 6.800 tỷ đồng; diện tích đất dự kiến sử dụng là 496,9 ha (trong đó 473,9 ha hiện trạng là đất mặt nước).

Dự án có quy mô đầu tư 10 cầu cảng (2.525 m), tiếp nhận cỡ tàu trọng tải 250.000 DWT; khối lượng bóc dỡ hàng hóa theo hồ sơ thiết kế từ 21 - 23 triệu tấn/năm. Dự án cảng hình thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm của Khu liên hợp gang thép Long Sơn, đảm bảo tiến độ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo đó, sản phẩm, dịch vụ cung cấp của Dự án sẽ phục vụ Khu liên hợp gang thép Long Sơn gồm bốc xếp, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa, xuất thép sản phẩm; bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị ngành vận tải đóng tàu…

Đồng thời khi cả 2 dự án đi vào hoạt động (cảng và nhà máy thép), UBND tỉnh Bình Định cho rằng sẽ tạo ra cho tỉnh giai đoạn phát triển kinh tế biển gắn với logictics, phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, tạo động lực thúc đẩy ngành hàng hải quốc tế kết hợp với việc phát triển ngành công nghiệp gang thép xuất khẩu…

Bình Định ước tính sơ bộ, dự án cảng chuyên dùng được xây dựng và đi vào hoạt động tích hợp sẽ giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 7.500 người (giai đoạn 1 là 3.000 người); ước tính nộp ngân sách ở giai đoạn thi công khoảng 4.926 tỷ đồng, ở giai đoạn đi vào sản xuất toàn bộ Dự án khoảng 10.395 tỷ đồng, đóng góp Tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành khoảng 20.524 tỷ đồng khi Dự án đi vào hoạt động.

Vì những lý do trên, UBND tỉnh Bình Định kỳ vọng, khi Dự án đi vào hoạt động, sẽ góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, cảng biển, qua đó đóng góp đáng kể tăng trưởng cho nền kinh tế của tỉnh. Do vậy, tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương và chấp thuận nhà đầu tư.

Đáng chú ý, khu vực dự án bao trùm toàn bộ dân cư của thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn và khi thực hiện dự án phải di dời toàn bộ dân cư khoảng 566 hộ của thôn Lộ Diêu.

Để ổn định cuộc sống người dân, ngoài các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện theo quy định, tỉnh Bình Định cũng đã bổ sung thêm khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đã đề xuất hỗ trợ tăng thêm từ nguồn kinh phí của công ty.

“Người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, cách khu vực ảnh hưởng phải đảm bảo khi di dời mọi điều kiện ít nhất là phải bằng, thậm chí phải tốt hơn và phải tạo sinh kế lâu dài, ổn định cho người dân; không vi phạm các di tích lịch sử”, nội dung được UBND tỉnh Bình Định đề cập trong đánh giá tác động của dự án.

Tin liên quan
Tin khác