Đầu tư
Bình Định điều chỉnh dự án nông nghiệp công nghệ cao để tiếp tục tìm nhà đầu tư
Nguyễn Toàn - 04/10/2023 16:00
Sau khi không có nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Mỹ Thành, Bình Định điều chỉnh giảm tổng vốn đầu tư và một số mục tiêu dự án để tìm nhà đầu tư.
Quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định cho biết, địa phương đang mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký đầu tư Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ (lần 2). Thời hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là 7h30, ngày 6/11/2023.

Dự án đã được UBND tỉnh Bình Định điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3505, ngày 21/9/2023.

So với nội dung đã phê duyệt trước đó (tại các Quyết định số 1057, ngày 6/4/2023 và điều chỉnh tại Quyết định số 2610, ngày 17/7/2023); Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành đã được điều chỉnh theo hướng giảm một số mục tiêu dự án, tổng vốn đầu tư đồng thời phân chia giai đoạn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện.

Cụ thể, tổng mức đầu tư từ hơn 1.452 tỷ đồng giảm còn hơn 1.177 tỷ đồng (giảm hơn 274 tỷ đồng chi phí thực hiện dự án); khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao với tổng sản lượng từ 14,5 nghìn tấn giảm còn 7 nghìn tấn/ năm (chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 và 2 đạt 3,5 nghìn tấn, đến năm 2028 đạt 7 nghìn tấn).

Ngoài ra, nhu cầu lao động cũng giảm từ 4 đến 5 nghìn người xuống còn 2,5 nghìn người; mục tiêu giá trị xuất khẩu tôm thương phẩm từ 256 triệu USD giảm còn 200 - 240 triệu USD/ năm (cũng chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đạt 50 - 60 triệu USD).

Bên cạnh đó, thay vì đến quý III/2026 đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động, UBND tỉnh Bình Định đã giãn tiến độ đến quý II/2028 (từ 3 năm lên thành 4,5 năm).

Ngoài các thay đổi trên, quy mô dự án (rộng 218,96 ha); quy mô khu sản xuất tôm giống thẻ chân trắng (công suất 2 tỷ con giống/ năm); quy mô nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản (công suất 100 ngàn tấn/ năm); quy mô nhà máy chế biến tôm (công suất 20 nghìn tấn tôm thương phẩm/năm) vẫn được UBND tỉnh Bình Định giữ nguyên.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung và tiến độ thực hiện trong dự án. Trường hợp nhà đầu tư triển khai chậm tiến độ dự án giai đoạn 1 (hoàn thành trong tháng 6/2026) mà không có lý do chính đáng được UBND tỉnh chấp thuận thì sẽ thu hồi toàn bộ dự án.

Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành được Sở Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi đầu tư lần đầu vào tháng 7/2023, với thời hạn cuối đăng ký là 7h30 ngày 28/8/2023.

Tuy nhiên, kết quả lựa chọn nhà đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư không có nhà đầu tư đăng ký tham gia. Do vậy, ngày 29/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã đồng ý kết thúc hồ sơ mời quan tâm thực hiện Dự án.

Đồng thời, dựa theo nội dung đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngày 6/9/2023) và báo cáo của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đã đồng ý chủ trương điều chỉnh quy mô, mục tiêu và thời gian thực hiện của Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (ngày 15/9/2023).

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, điều này là “để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo tinh thần khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn của Chính phủ và của tỉnh”.

Tin liên quan