Được quy hoạch là trung tâm phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó TP. Quy Nhơn đóng vai trò liên kết đô thị hạt nhân, thời gian qua, Bình Định thực hiện chủ trương giao thông phải đi trước một bước. Đây chính là yếu tố thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, đồng thời là chìa khóa giúp tỉnh bứt phá.
Một góc TP. Quy Nhơn (Bình Định). |
Hấp lực đầu tư và bài toán lành mạnh hóa thị trường
Bình Định đang trở thành điểm sáng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ chính sách thu hút đầu tư minh bạch.
Sự đột phá của hạ tầng đã kéo theo làn sóng đầu tư ồ ạt, trong đó đáng chú ý là sự có mặt của nhiều đại gia địa ốc, họ không ngừng rót hàng ngàn tỷ đồng vào đầu tư các dự án lớn tại vùng đất này.
Tiên phong trong làn sóng đầu tư vào du lịch là FLC, khởi đầu bằng dự án FLC Quy Nhơn. Sau FLC, sự có mặt của Tập đoàn Hưng Thịnh với một “đại bản doanh” hơn 1.000 ha thông qua hình thức mua bán - sáp nhập (M&A). Tiếp theo, Bình Định lại chứng kiến hàng loạt nhà đầu tư tên tuổi đổ mạnh dòng vốn đầu tư vào địa phương như: Phát Đạt, TNG, Capital House, Xuân Cầu…
Những dự án hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo Quy Nhơn - Bình Định gồm có: Khu đô thị Nhơn Hội New City, Khu đô thị Green Complex City, Khu đô thị Quy Nhơn New City… Đặc biệt, việc Tập đoàn Becamex đã quyết định đầu tư Khu công nghiệp - đô thị Becamex tại Nhơn Hội với quy mô gần 1.500 ha chính là cú huých lớn về lĩnh vực hạ tầng hướng Tây, giúp Bình Định hoàn thiện hạ tầng đẳng cấp như hiện nay.
Ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 2 triệu USD; thu hút được 87 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 16.899 tỷ đồng (trong đó có 24 dự án trong KKT Nhơn Hội, 63 dự án ngoài khu kinh tế).
Kế hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với trọng tâm là phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển và kinh tế biển. Quy Nhơn nói chung, Khu kinh tế Nhơn Hội nói riêng được định hướng trở thành trung tâm kinh tế của vùng và quốc gia trên tuyến Hành lang kinh tế xuyên Á, Đông - Tây và Bắc - Nam với hạ tầng giao thông kết nối Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19 và tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Hạ tầng đồng bộ và chính sách thu hút đầu tư thông thoáng đã tác động rất lớn đến sự phát triển của Bình Định, dòng tiền đổ vào lĩnh vực du lịch, trung tâm giải trí tăng mạnh, hiện đã vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Với việc Chính phủ quyết định nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát, tạo cơ hội cho địa phương rộng cửa đón các nhà đầu tư. Có thể nói, Bình Định đang ở trong thời điểm chín muồi để thu hút đầu tư khi hội đủ các yếu tố giúp thị trường phát triển bền vững.
Thực tế đã có nhiều dự án khủng từ các “ông lớn” trong và ngoài nước tập trung về đây như FLC, TMS Group, Tập đoàn Hưng Thịnh, Phát Đạt và một số tập đoàn đa quốc gia… Hiện Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Định đã thu hút 325 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 91.000 tỷ đồng, trong đó có 33 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 500 triệu USD; tạo việc làm cho hơn 17.000 lao động và nộp ngân sách hàng năm hơn 1.000 tỷ đồng.
Sức hút từ các dự án lớn
Bình Định đang trở thành điểm sáng về sự minh bạch đối với các nhà đầu tư. Xây dựng cách thức thu hút đầu tư mới được coi là “mũi giáp công” hữu hiệu để Bình Định đón đầu khi dòng vốn FDI dịch chuyển đến Việt Nam hậu Covid-19.
Trong 83 dự án FDI đang đầu tư tại tỉnh, nhiều dự án đi vào hoạt động đã góp phần không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang hình ảnh, con người Việt Nam nói chung, Bình Định nói riêng ra thế giới.
“Bình Ðịnh ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, tập trung mời gọi các nhà đầu tư lớn có khả năng lôi kéo, thúc đẩy các dự án phụ trợ; chú trọng nhóm nhà đầu tư có công nghệ sạch và công nghệ cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, châu Âu và các quốc gia phát triển để đảm bảo môi trường bền vững”, ông Nguyễn Thành Hải cho biết.
Chỉ riêng 4 tháng gần đây, sự có mặt của các doanh nghiệp lớn nước ngoài muốn rót vốn vào tỉnh như: Mitsubishi (Nhật Bản), PNE (Đức), Cammsys (Hàn Quốc)... hứa hẹn tạo nên những “cú huých” mới cho bức tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Bình Định.
Tổng giám đốc Mitsubishi Motors, ông Kenichi Horinouchi cho biết, Tập đoàn đang tìm kiếm địa điểm thứ 2 để đặt nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam. Nhà máy này dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu USD, công suất 30.000 - 50.000 xe/năm.
Theo ông Kenichi Horinouchi, Bình Định có lợi thế cảng nước sâu nên xác định là điểm ưu tiên hàng đầu. Mặt khác, tỉnh có hạ tầng giao thông khá hoàn thiện, thuận lợi cho việc đi lại vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, Bình Định là tỉnh có quỹ đất lớn, rất thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất phụ kiện phục vụ cho ngành sản xuất ô tô.
Với Công ty Cammsys, họ đến Bình Định với mong muốn tìm một đối tác thích hợp để phát triển, lắp ráp ô tô điện và sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất phát triển ô tô điện tại thị trường Việt Nam. Qua khảo sát tại địa phương này, Công ty đánh giá cao hạ tầng kết nối giao thông của tỉnh với khu vực và thế giới, đồng thời mong muốn hợp tác phát triển dự án cung cấp ô tô điện cho các khu công nghiệp, khu du lịch và liên kết sản xuất dòng xe này tại địa phương.
Còn đại diện Công ty Hyundai Aluminum Vina cũng ngỏ ý với Bình Định về việc muốn được cấp 200 ha để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao và hứa sẽ kêu gọi, thu hút khoảng 60 nhà đầu tư Hàn Quốc đến sản xuất, kinh doanh khi dự án thành công.
Mới đây, Tập đoàn PNE (Đức) cũng ghé Bình Định với mong muốn đầu tư dự án điện gió ngoài khơi với tổng mức dự kiến lên đến 1,5 tỷ USD.