Đầu tư
Bình Định xây dựng kế hoạch đạt 22 đô thị vào năm 2025
V. Hương - 20/07/2021 08:56
Dự kiến, đến năm 2025, Bình Định có 22 đô thị, trong đó có một đô thị loại I, một đô thị loại III và hai đô thị loại IV.

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định số 2940 /QĐ-UBND về kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025.

Một góc phố biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay, kế hoạch phát triển đô thị trong giai đoạn tới sẽ có hàng loạt các công trình, dự án ưu tiên đầu tư về hệ thống giao thông; bến xe, bãi đỗ xe; hệ thống cấp nước; hệ thống xử lý nước thải đô thị, chất thải rắn…

Theo đó, Bình Định phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 22 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 52,8%. Cụ thể, có 1 đô thị loại 1 là TP. Quy Nhơn; 1 đô thị loại 3 là TX. An Nhơn; 2 đô thị loại 4 là Hoài Nhơn và đô thị Tây Sơn .

Ngoài ra còn có 12 đô thị loại V (đô thị hiện hữu) gồm: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Phước Lộc, Bình Dương, Ngô Mây, Mỹ Chánh, Cát Tiến. Và 6 đô thị loại 5 (hình thành mới) gồm: Phước Hòa, Phước Sơn, huyện Tuy Phước; An Hòa, huyện An Lão; Cát Khánh, huyện Phù Cát; Canh Vinh, huyện Vân Canh; Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.

Bên cạnh đó, tỉnh này đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 52,8%. Tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị với đô thị loại I đạt từ 23% trở lên; đô thị loại III và IV đạt từ 20% trở lên; đô thị loại V đạt từ 16% trở lên.

Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại đô thị loại I đạt 20% trở lên; đô thị loại III và IV đạt 10% trở lên; đối với đô thị loại V đạt từ 2% trở lên.

Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đạt 30m2 sàn/người. Tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 99,5%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ xuống 0,5%.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đã đưa ra danh mục hàng loạt dự án ưu tiên đầu tư về hệ thống giao thông; bến xe, bãi đỗ xe; hệ thống cấp nước; hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn.

Các công trình, dự án ưu tiên đầu tư được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; nguồn vốn đóng góp và tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; các nguồn huy động hợp pháp khác.

Cụ thể, trong giai đoạn này, có hơn 50 dự án hệ thống giao thông được ưu tiên đầu tư như: Cầu Thị Nại 2, thành phố Quy Nhơn; tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại; tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (đường tỉnh 638) đến đường ven biển (đường tỉnh 639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ; tuyến đường kết nối với đường ven biển (đường tỉnh 639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn; cầu qua sông Hà Thanh, thị trấn Vân Canh; tuyến đường nối khu kinh tế Nhơn Hội đi Hải Giang… Bên cạnh đó còn có 11 dự án về bến xe, bãi đỗ xe... được ưu tiên đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác