Trao đổi tại buổi gặp gỡ với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp FDI vào chiều 30/10, ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa được tổ chức thành công.
Đại hội đã thống nhất quyết nghị 30 chỉ tiêu chủ yếu cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm: 8 chỉ tiêu về phát triển kinh tế; 5 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội; 2 chỉ tiêu về môi trường; 6 chỉ tiêu về phát triển đô thị, 7 chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh, 2 chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng…
Trong số các chỉ tiêu về phát triển kinh tế của Bình Dương, có chỉ tiêu thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 9 tỷ USD.
Sản xuất ở Công ty Kymco (Đài Loan) tại KCN Đại Đăng, Bình Dương. |
Thực tế, trong nhiều năm gần đây, Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về thu hút vốn FDI. Nhiều kế hoạch về thu hút vốn FDI được Bình Dương hoàn thành sớm và vượt mức.
“Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương có kế hoạch thu hút 7 tỷ USD vốn FDI nhưng thực tế chúng tôi hoàn thành kế hoạch này sớm hơn 1 năm”, vị lãnh đạo tỉnh Bình Dương thông tin và nhìn nhận, với kế hoạch thu hút hơn 9 tỷ USD vốn FDI trong giai đoạn 2020-2025, Bình Dương kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin, đối với phát triển kinh tế-xã hội, trong 10 tháng qua, mặc dù kinh tế trong nước bị tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19 và tình hình thiên tai bão lũ, song tỉnh vẫn đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định.
Sản xuất công nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực, thị trường xuất, nhập khẩu tiếp tục phục hồi, doanh nghiệp có lượng đơn hàng tăng dần và tập trung sản xuất phục vụ cuối năm.
Lũy kế 10 tháng, Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,77% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 6,1%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 208.000 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 6,85 so với cùng kỳ.
Thu hút đầu tư trong nước tính đến 15/10/2020 đạt gần 59.500 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có gần 47.600 doanh nghiệp với tổng vốn 424.000 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 1,7 tỷ USD, vượt 19% kế hoạch năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh có 3.909 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 35,2 tỷ USD…
Tại buổi gặp gỡ, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp chia sẻ, hiện nay vấn đề vốn là một nhu cầu cấp bách để doanh nghiệp ổn định sản xuất, đổi mới công nghệ trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Do vậy, các doanh nghiệp rất cần có nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tạo cơ sở vật chất sau một thời gian ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19.
Về công tác đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp mong muốn địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, logistics đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Các tuyến giao thông đường bộ của Bình Dương cần được nâng cấp, mở rộng để kết nối tốt hơn với TP.HCM và sân bay Long Thành. Bình Dương cũng cần sớm hoàn thành các đường ngắn kết nối với các cảng trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn để giảm tải cho đường bộ…
Ông Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, việc phát triển hạ tầng là nội dung được tỉnh đặc biệt quan tâm và sẽ nỗ lực tìm giải pháp để tạo sự đột phá. Bình Dương sẽ đẩy mạnh các dự án giao thông kết nối với TP.HCM. Trong đó sẽ mở rộng Quốc lộ 13, thông xe toàn tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn gắn với phát triển tuyến xe buýt nhanh BRT kết nối Thành phố mới Bình Dương với Suối Tiên …Bình Dương đã và đang đàm phán, phối hợp với các địa phương lân cận để đề xuất với Chính phủ nhiều dự án kết nối hạ tầng trong vùng Đông Nam bộ.
"Bình Dương mong muốn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài nếu gặp vấn đề vướng mắc có thể đăng ký ngay với các sở ngành hoặc lãnh đạo tỉnh để tháo gỡ, chứ không phải chờ tới các hội nghị. Chúng tôi cam kết sẽ luôn dành thời gian để lắng nghe doanh nghiệp", ông Trần Văn Nam nói.