Đây là một trong những nội dung nhiệm vụ bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương đề ra tại Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện chương trình này giai đoạn 2002 - 2022, định hướng triển khai giai đoạn 2022 – 2032 .
Báo cáo Tổng kết 20 năm thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường giai đoạn 2002 – 2022, UBND TP.HCM cho biết, trên toàn địa bàn TP Hồ Chí Minh có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, gồm 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.
Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện chương trình này giai đoạn 2002 - 2022, định hướng triển khai giai đoạn 2022 – 2032. |
Bà Thắng nhận định, hạ tầng thương mại của TP.HCM trong giai đoạn 20 năm vừa qua đã dần được hoàn thiện. Hiện tại, Bộ Công thương đánh giá hạ tầng thương mại Thành phố đã tương đối hoàn thiện so với mặt bằng chung của cả nước.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, Thành phố cần tăng cường các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tiếp tục phát triển hạ tầng thương mại ở một số khu vực, đặc biệt tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân, khu dân cư tập trung đông người lao động thu nhập thấp.
Đồng thời, cũng cần sự chung tay của các doanh nghiệp, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong vận hành chuỗi cung ứng sản phẩm bình ổn thị trường; hỗ trợ lẫn nhau nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ, phát huy khai thác thế mạnh và tiềm năng của từng doanh nghiệp.