Đầu tư
Bình Phước chạy đua thu hút nhà đầu tư Nhật Bản
Hồng Sơn - 25/04/2013 16:17
Hơn 30 nhà đầu tư Nhật Bản đã tham dự Hội thảo Xúc tiến đầu tư do tỉnh Bình Phước tổ chức chiều 24/4  tại TP.HCM. Đây là cơ hội để Bình Phước giới thiệu tiềm năng của mình với các nhà đầu tư đến từ đất nước Mặt trời mọc.
TIN LIÊN QUAN
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Phước

Sớm “đánh thức” các tiềm năng

Bình Phước vốn được biết là “vương quốc” của cây điều, cây cao su với diện tích trồng và chất lượng thuộc loại hàng đầu cả nước. Trong các sản phẩm xuất khẩu thì mủ cao su, hạt điều, cà phê, tiêu… chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Phước năm 2012 là gần 700 triệu USD.

Bình Phước cũng được biết là nơi giao thương khá quan trọng với huyết mạch là quốc lộ 13 nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà hạt nhân là TP.HCMh với Quốc lộ 7 của Campuchia, để từ đó thông thương với Lào và Thái Lan. Đồng thời, Quốc lộ 14 nối Bình Phước với các tỉnh Tây Nguyên, rất thuận lợi trong việc giao thương với các vùng kinh tế năng động khác của cả nước.

Tuy nhiên, thông tin mà nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng lại không dễ biết đã được ông Phạm Văn Tòng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chia sẻ: Trong nhiều năm qua nền kinh tế Bình Phước luôn tăng trưởng với tốc độ cao và ổn định. Năm 2012, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh là 12,35%; thu ngân sách đạt 3.853 tỷ đồng; có hơn 600.000 người trong độ tuổi lao động (giai đoạn cơ cấu dân số “vàng”), là nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển công nghiệp, chuyển dịch kinh tế; tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ổn định; quan hệ hợp tác, giao lưu hữu nghị với các tỉnh giáp biên giới thuộc Campuchia và một số tỉnh Nam Lào khá tốt, góp phần để các doanh nghiệp yên tâm mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh…

Bình Phước có quỹ đất sạch sẵn sàng cho phát triển công nghiệp tại 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với diện tích 5.244ha; Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với hơn 28.364 ha và nhiều cụm công nghiệp khác đã được phê duyệt, quy hoạch, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào tỉnh. Hạ tầng giao thông đến các khu công nghiệp thuận lợi, các hạ tầng như điện, viễn thông, cấp nước được đảm bảo… Đặc biệt, theo kế hoạch đến sau năm 2020, sẽ có tuyến đường sắt Xuyên Á đi qua cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) nối với tuyến đường sắt đi TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa nước ta và các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar.

Sẵn sàng đón “dòng” đầu tư Nhật Bản

Thông tin từ sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến hết năm 2012, toàn tỉnh Bình Phước có 99 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 720 triệu USD, trong đó tổng vốn đầu tư thực hiện đạt trên 40%. Các nhà đầu tư vào Bình Phước thuộc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Singapoe, Nhật Bản…

Tuy nhiên, cho đến nay, số dự án có nguồn vốn đầu tư Nhật Bản ở tỉnh Bình Phước là rất ít. Cụ thể, mới có 2 dự án có vốn đầu tư Nhật Bản đầu tư vào KCN Chơn Thành I và KCN Minh Hưng III với tổng vốn đầu tư là 2,05 triệu USD, trong đó có 1 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với ngành nghề sản xuất đồ gỗ nội thất và ván ép sử dụng trong xây dựng; 1 dự án chuẩn bị đi vào hoạt động với ngành nghề sản xuất và kinh doanh hóa chất.

Năm 2012, tổng vốn đăng ký các dự án của Nhật Bản là 5,1 tỷ USD, chiếm khoảng 40% tổng vốn đăng ký FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án của Nhật Bản lại tập trung nhiều ở TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng...

“Thông qua các hội thảo xúc tiến đầu tư, các nhà đầu tư Nhật Bản có dịp tìm hiểu về cơ hội hợp tác, đầu tư ở những vùng có tiềm năng như tỉnh Bình Phước, qua đó có thể mở rộng diện đầu tư của các dự án Nhật Bản, góp phần tăng trưởng kinh tế, mở rộng giao lưu nhiều mặt cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước”, ông Harumitsu Hida, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM cho biết.

Thời gian gần đây, không chỉ Bình Phước mà nhiều địa phương khác đang tích cực chuẩn bị các nguồn lực để đón “dòng” đầu tư Nhật Bản. Khó có thể nói sẽ không có các cuộc đua “ngầm” giữa các địa phương nhằm thu hút các nhà đầu tư thông qua nhiều “ưu đãi” như : miễn, giảm tiền thuê đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu…

Do đó, cùng với việc có các giải pháp sớm biến các tiềm năng thành lợi thế so sánh, Bình Phước cần quan tâm hơn đến cải thiện môi trường đầu tư, nhất là công tác cải cách hành chính. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến nâng chỉ số PCI (năm 2012, chỉ số PCI của Bình Phước giảm 31 bậc, tụt hạng từ bậc 8 xuống bậc 39), bởi PCI có thứ hạng cao không chỉ tạo uy tín mà còn là động lực thúc đẩy cải thiện chất lượng điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bình Phước hiện có Tổ tư vấn đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng cùng với lãnh đạo các sở ngành liên quan đến công tác đầu tư, với mục đích trực tiếp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và đầu tư trên địa bàn tỉnh.

"Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp phụ trợ; dự án sản xuất các phụ tùng, thiết bị, săm lốp ô tô; hàng tiêu dùng có sử dụng nguyên liệu từ cao su tự nhiên; dự án chế biến thực phẩm đóng hộp; dự án về công nghiệp điện tử; dự án có công nghệ thân thiện với môi trường…”, ông Vũ Thành Nam, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết.

Tin liên quan
Tin khác