| ||
TS. Trần Du Lịch |
Thưa ông, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” móc nối để thông thầu đã và đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Đã có biện pháp ngăn chặn tình trạng này chưa?
Tình trạng “quân xanh, quân đỏ” móc nối để thông thầu là có thật. Khá nhiều dự án, đấu thầu chỉ là hình thức, còn thực chất dự án đó đã có nhà thầu rồi. Cho nên, thời gian qua, chất lượng dự án là vấn đề khiến dư luận rất bức xúc. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến có nhiều điều khoản để “bịt” kẽ hở này.
Cụ thể, Dự thảo Luật đã đưa ra nhiều quy định để xử lý cả doanh nghiệp thông thầu lẫn cơ quan nhà nước (là nơi chấm thầu, hợp thức hóa thủ tục đấu thầu).
Hiện hầu hết các dự án theo hợp đồng tổng thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị - công nghệ và thi công công trình) đều rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Liệu tình trạng này có cải thiện trong thời gian tới không, thưa ông?
Đúng là hiện nhiều công trình, dự án được thực hiện theo hợp đồng EPC hầu như chỉ rơi vào tay doanh nghiệp của một vài quốc gia. Để xảy ra tình trạng này là do quy định hiện hành của nước ta đang gây bất lợi cho nhà thầu trong nước. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã có quy định phần nào giúp nhà thầu trong nước chủ động và thuận lợi hơn. Điều này có lợi cho quốc gia.
Tôi muốn nói thêm rằng, hiện có khá nhiều dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), do đó việc lựa chọn nhà thầu phải tính toán. Chọn nhà thầu không chỉ phải phù hợp với yêu cầu của nhà tài trợ, mà còn phải phù hợp với điều kiện nước ta, đừng để đồng vốn vay ODA trở thành quá đắt!
Liệu các quy định mới trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) có đủ sức ngăn chặn tình trạng bỏ thầu giá rẻ, sau đó bỏ bê chất lượng, kéo dài thời gian...?
Phá giá là tình trạng rất đáng báo động, nhất là với các dự án thực hiện theo hợp đồng tổng thầu EPC. Thời gian qua, chúng ta đã quá coi trọng yếu tố giá cả trong đấu thầu, mà coi nhẹ tiêu chí thời gian thi công và chất lượng công trình. Vì vậy, các quy định của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đưa ra nhiều biện pháp xử lý nghiêm. Trong đó, có yêu cầu nhà thầu đóng tiền dự thầu ở mức nhất định nào đó, để nhà thầu không thể kéo dài thời gian, coi nhẹ chất lượng.
Tôi cũng đề nghị, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhất là với các dự án giao thông, nhà ở…, chúng ta phải đưa thêm một tiêu chí đấu thầu mới mà bấy lâu không quan tâm: đó là tiêu chí thời gian.
Thời gian thi công các dự án rất quan trọng. Một dự án thi công trong 1 năm và 3 năm là khác hẳn nhau. Tại sao chúng ta không đưa thẳng vào Dự thảo Luật là, yêu cầu những công trình xây dựng điều kiện cho phép làm 3 ca, thì nhà thầu phải thi công trong 3 ca. Thời gian chính là tiền, nhiều dự án do kéo dài thời gian, nên phải điều chỉnh giá cả, dẫn đến chi phí phát sinh lớn.
Tôi xin nhắc lại, tiêu chí thời gian rất quan trọng, thậm chí trong một số trường hợp còn quan trọng hơn cả tiền.
Chỉ định thầu lâu nay bị coi là mảnh đất dung dưỡng tiêu cực. Theo ông, có nên tiếp tục duy trì hình thức này không?
Đấu thầu là hình thức tốt nhất. Tuy nhiên, nếu đấu thầu chỉ là “hình thức”, thì chỉ định thầu công minh sẽ tốt hơn. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta phát triển hình thức chỉ định thầu, vì quản lý phải theo luật, chứ không phải theo lòng tốt của một vài cán bộ... Cho nên, việc chỉ định thầu chỉ nên được giới hạn ở một vài trường hợp đặc biệt, mà ở đó tính minh bạch phải được thể hiện rõ. Nếu chỉ định thầu tràn lan, chúng ta đi ngược với nguyên tắc của thế giới là ngân sách, dù ít hay nhiều đều phải đấu thầu. Ở Mỹ, đầu tư của Nhà nước từ 15.000 USD trở lên là phải đấu thầu.
Thùy Liên