Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (đứng giữa) kiểm tra nhà máy xử lý rác thải của Biwase. |
Không ngừng lớn mạnh
Trải qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, Biwase đã khẳng định vị thế trên thương trường với vai trò là một trong những công ty dẫn đầu về ngành sản xuất - kinh doanh nước sạch, xử lý chất thải, nước thải và các sản phẩm trên thị trường như nước uống đóng chai, phân bón…
Với mức tăng trưởng doanh thu hàng năm trên 20% (năm 2018 đạt gần 2.300 tỷ đồng), trong đó, lĩnh vực cấp nước đặc biệt ấn tượng bởi chỉ tiêu thất thoát nước dưới 5,7%, tỷ lệ này đạt thấp nhất trong cả nước và tương đương với thành tích giảm thất thoát nước của Singapore. Hiện tổng công suất cấp nước của Biwase đạt trên 450.000 m3/ngày đêm, với phạm vi phục vụ cấp nước được bao phủ toàn bộ các đô thị và trên 50% xã, thị trấn trên toàn tỉnh Bình Dương và một số khu vực lân cận thuộc tỉnh Bình Phước.
Về lĩnh vực môi trường, bình quân hiện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương của Biwase xử lý đạt trên 2.500 tấn/ngày, đứng trong top 5 tỉnh, thành phố có quy mô lớn, với công nghệ xử lý tốt và hiện đại vào loại bậc nhất cả nước. Biwase đã và đang trở thành đối tác tin cậy và uy tín với nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Vào đầu tháng 6/2019, Biwase đã lọt vào danh sách 50 công ty niêm yết hoạt động hiệu quả nhất năm 2019, do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Chấp hành chủ trương của Chính phủ về việc sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Biwase đã phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC - đơn vị được UBND tỉnh Bình Dương giao làm chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty, tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp. Theo đó, tổng giá trị vốn thực tế tại thời điểm 31/12/2014 là 4.170 tỷ đồng; trong đó, tổng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 1.892 tỷ đồng.
Sau cổ phần hóa, ngoài việc bỡ ngỡ với môi trường kinh doanh mới, Công ty còn gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì thế, ngoài việc đội ngũ cán bộ điều hành phải năng động và tìm cách tăng năng suất lao động, Biwase còn tìm mọi cách để tạo nguồn vốn đầu tư, vì lúc này Nhà nước không cấp vốn hỗ trợ nữa. Trong các nguồn vốn dài hạn có nguồn vốn ODA.
Dây chuyền xử lý rác của Biwase. |
Sử dụng vốn hiệu quả
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh dành nguồn kinh phí khoảng 13.230 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó, nguồn vốn ODA chiếm khoảng 7.619 tỷ đồng. Trong số 14 dự án bảo vệ môi trường được tỉnh cụ thể hóa từ nguồn vốn nói trên, có những dự án đáng lưu ý như Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương; Dự án Mua sắm trang thiết bị phục vụ cho ứng cứu sự cố môi trường do cháy nổ; Đề án xử lý chất thải y tế Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2025…
Chính phủ Nhật Bản đã đồng hành cùng Bình Dương trong hầu hết các dự án trọng điểm cải thiện môi trường bằng nguồn vốn ODA ưu đãi. Có thể kể đến như Dự án Nhà máy xử lý nước thải cho TP. Thủ Dầu Một, công suất 17.650 m3/ngày đêm. Dự án này đã hoàn thành và đang thực hiện chức năng thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho hơn 13.000 hộ dân sống trên địa bàn. Hay như Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương, được triển khai tại thị xã Thuận An, là tiểu dự án 2 của Dự án thoát nước và xử lý nước thải cụm đô thị Nam Bình Dương, công suất 54.000 m3/ngày đêm. Dự án này được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn I có công suất 17.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, (trong đó vốn ODA chiếm 85%, vốn đối ứng 15%) đang được khẩn trương thực hiện.
Ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, Bình Dương, mà cụ thể là Biwase đã sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản đúng mục đích và hiệu quả nhất tại Việt Nam. Ông hài lòng khi các dự án thực hiện đều đạt đúng tiến độ cam kết và sớm đưa các công trình cải thiện môi trường vào sử dụng, phục vụ đời sống người dân.
Có thể nói, Biwase là một trong những đơn vị nổi bật trong việc sử dụng nguồn vốn tốt và tiến độ thực hiện các gói thầu bảo đảm, chi phí hợp lý. Điển hình cho việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Biwase có thể kể đến là Dự án Xử lý rác thải sinh hoạt thành phân compost, do Chính phủ Phần Lan tài trợ 8 triệu euro, cộng với vốn đối ứng của Công ty.
Nhờ lựa chọn nhà thầu có năng lực thực hiện nhanh, đảm bảo tiến độ, chỉ sau một thời gian rất ngắn, Biwase đã xử lý thành công rác sinh hoạt ra phân compost, cho ra thị trường sản phẩm phân bón Con Voi. Phân bón Con Voi đã được nhiều nông dân tin tưởng sử dụng bón cây ăn trái, cây cà phê, vườn cây cao su. Cũng từ đây, Biwase đã được chuyển giao công nghệ thành công, lắp ráp và vận hành nhà máy xử lý rác thứ 2 có công suất 420 tấn/ngày. Chính phủ Phần Lan và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đánh giá rất cao việc sử dụng vốn hiệu quả của Biwase.
Mở rộng hợp tác, nâng cao vị thế
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase cho biết, nhằm mở rộng thị trường, khẳng định và nâng cao vị thế, nhất là trong lĩnh vực “chủ công” là cấp thoát nước và xử lý môi trường, thời gian gần đây, Biwase liên tiếp có những cú “bắt tay” với các đối tác trong và ngoài nước.
Mới đây, Biwase đã ký kết hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Theo nội dung ký kết, Biwase và VietinBank sẽ hợp tác toàn diện trong lĩnh vực tín dụng để tạo điều kiện cho Biwase tiếp tục triển khai nhiều dự án có quy mô lớn trong giai đoạn 2020 - 2025 trên lĩnh vực cung cấp nước và xử lý nước thải với tổng nguốn vốn khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay gần 3.000 tỷ đồng.
Đại diện của Biwase cũng cho biết, hôm nay (22/11), Công ty ký kết ghi nhớ về hợp tác toàn diện với Tập đoàn TSK của Hàn Quốc. Nội dung chính của thỏa thuận là hợp tác trong kinh doanh lĩnh vực môi trường như xử lý nước, rác thải và cải thiện môi trường.
Ông Youngseok Kim, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn TSK cho biết, TSK cung cấp các dịch vụ công nghệ môi trường thông minh như xử lý nước thải và quản lý chất thải chuyên sâu để tạo môi trường an toàn và tăng chất lượng cuộc sống cho các thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần hiện thực hóa không chỉ lợi ích doanh nghiệp, mà cả lợi ích cộng đồng vì một môi trường bền vững, trong đó thiên nhiên và nhân loại cùng tồn tại.
“Trong 15 năm qua, Tập đoàn TSK đã tích lũy được sức mạnh công nghệ, bí quyết và mạng lưới toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi sẽ phát triển thành một doanh nghiệp môi trường tổng thể, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của khách hàng bằng cách phát triển các công nghệ mới và đầu tư vào các doanh nghiệp mới. Sự hợp tác toàn diện này không chỉ góp phần mở rộng thị trường, nâng tầm vị thế cho Biwase, mà còn là cơ hội phát triển, mở rộng thị trường của Tập đoàn TSK và các doanh nghiệp của Hàn Quốc tại Việt Nam”, ông Youngseok Kim nói.