Sức khỏe doanh nghiệp
Biwase hồi sinh Nhà máy Nước Sài Gòn - Mê Kông
Duy Bắc - 24/10/2024 13:40
Nhóm cổ đông mới cam kết góp thêm vốn vào Công ty cổ phần Nước Sài Gòn - Cần Thơ để tái khởi động lại Dự án Nhà máy Nước Sài Gòn - Mê Kông.

Nhà máy Nước Sài Gòn - Mê Kông dự kiến đi vào vận hành năm 2025

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nước Sài Gòn - Mê Kông đã được UBND Thành phố Cần Thơ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2016, từ đó công trình đã triển khai và đạt được những tiến triển tích cực ban đầu.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, do gặp không ít khó khăn và thách thức bởi một số yếu tố khách quan như dịch bệnh, những trở ngại này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành của dự án, cũng như việc đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tại khu vực phục vụ của dự án chưa được như mong đợi.

Tính tới thời điểm trước khi có nhóm cổ đông mới tham gia, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nước Sài Gòn - Mê Kông giai đoạn 1 với công suất 25.000 m3/ngày đêm đã ghi nhận một số hạng mục công trình như phần nền móng cơ bản đã hoàn thành, khối lượng thi công đạt trên 50% nhưng đã tạm ngưng.

Tuy nhiên, với mong muốn hồi sinh Dự án Nhà máy Nước Sài Gòn - Mê Kông giai đoạn 1 và sớm đưa vào vận hành trong năm 2025, nhóm cổ đông gồm Công ty cổ phần  - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase - mã BWE - sàn HoSE), bà Trương Thu Dung và ông Nguyễn Hiền Triết, cùng sở hữu 100% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Nước Sài Gòn - Cần Thơ và đã thống nhất góp thêm 50 tỷ đồng để nâng vốn điều từ 50 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng để tái khởi động giai đoạn 1 của Nhà máy Nước Sài Gòn - Mê Kông, đồng thời cũng sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 trong tương lai để nâng tổng công suất cấp nước của nhà máy lên 50.000 m3/ngày đêm.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase chia sẻ rằng, sau một thời gian tìm hiểu cũng như thương lượng giữa Biwase và Công ty cổ phần Nước Sài Gòn - Cần Thơ, hai bên đã đi đến quyết định cuối cùng và Biwase sẽ thu xếp tài chính để nhóm cổ đông (gồm Biwase và ông Nguyễn Hiền Triết) sở hữu 65% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Nước Sài Gòn - Cần Thơ.

Dưới mong muốn sẽ phối hợp với cổ đông hiện hữu và các Công ty cổ phần Cấp nước Cần Thơ 2, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ… và các công ty cấp nước lân cận với mục tiêu đưa hệ thống cấp nước ở Cần Thơ ngày một chỉnh chu hơn, tốt đẹp hơn để góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại tỉnh Cần Thơ trong thời gian tới và đặc biệt là thực hiện Quy hoạch năm 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Thêm nữa, đặc biệt sau các tuyến cao tốc nối từ TP.HCM đến các tỉnh thành lân cận, các tuyến cao tốc xuyên qua Thành phố Cần Thơ, hệ thống cơ sở hạ tầng được đồng bộ và kết nối sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế tại Cần Thơ phát triển.

Trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế tại tỉnh Cần Thơ cần yêu cầu phát triển hạ tầng cơ sở bao gồm hạ tầng nước, vì vậy, đòi hỏi cần rất nhiều vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống cấp nước. Tuy nhiên, phần lớn hệ thống đường ống cấp nước ở Cần Thơ đã được đầu tư từ năm 2000, nên hiện cần được nâng cấp, trong khi Cần Thơ còn nhiều quỹ đất rộng lớn có tiềm năng phát triển các khu công nghiệp, vì vậy, cần đầu tư hạ tầng cấp nước đường ống chính đưa nước tới từng khu vực phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất và nhu cầu người dân phục vụ phát triển kinh tế.

“Vì vậy, sau khi Biwase cùng nhóm cổ đông mới sở hữu Công ty cổ phần Nước Sài Gòn - Cần Thơ đồng thời thực hiện góp thêm vốn và đổi tên thành Công ty cổ phần Nước Biwase Cần Thơ (viết tắt: Biwaco), sự ra đời của Biwase Cần Thơ sẽ chung tay cùng thành phố Cần Thơ phát triển hệ thống cấp nước để xứng tầm một thành phố trực thuộc trung ương, đáp ứng nhu cầu cấp nước cho người dân và sản xuất công nghiệp”, ông Nguyễn Văn Thiền nhấn mạnh thêm.

Cần Thơ cần ưu tiên phát triển hạ tầng cấp nước để đón đầu làn sóng đầu tư nhờ hạ tầng đồng bộ

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Thêm nữa, theo báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng tại Cần Thơ mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết miền Tây được quy hoạch 6 cao tốc với tổng chiều dài gần 1.200 km với quy mô 4-6 làn xe. Trong đó, ba tuyến cao tốc trục dọc với tổng chiều dài 575 km gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 245 km, cao tốc Bắc - Nam phía Tây 180 km, cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng 150 km.

Đến nay, toàn vùng có hơn 120 km cao tốc kết nối TP.HCM - Cần Thơ đã khai thác; 428 km cao tốc đang thi công và phấn đấu hoàn thành năm 2025; 215 km cao tốc đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư... Toàn vùng cố gắng đạt mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành 600 km cao tốc và 1.200 km vào năm 2030 theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối sẽ là cơ hội cho các tỉnh miền Tây nói chung và Cần Thơ nói riêng phát triển kinh tế. Trong đó, thu hút đầu tư gồm hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện…

Thực tế đã chứng minh, với hệ thống cấp thoát nước hoàn chỉnh và đồng bộ sẽ là điểm cộng để các tỉnh có thể sớm thu hút nhà đầu tư và là tiền đề để các nhà đầu tư có thể mở rộng kinh doanh, sản xuất ngay lập tức thay vì chờ đợi hoàn thiện hệ thống cấp thoát nước mới quyết định đầu tư.

Vì vậy, sự kết hợp giữa nhà đầu tư lớn như Biwase với tỉnh Cần Thơ để cùng tham gia phát triển hệ thống cấp thoát nước sẽ góp phần lợi thế để tỉnh thu hút thêm vốn đầu tư trên địa bàn trong tương lai.

Tin liên quan
Tin khác