Việc tiếp tục các cuộc thi qua mạng lại gây tranh cãi |
Thông tin về việc cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet 2017 vẫn được triển khai với vòng 3 vào ngày 28-8 đang tạo ra nhiều luồng ý kiến cả khuyến khích lẫn không mong muốn. Việc có nên tiếp tục hay dừng hẳn các cuộc thi này vẫn gây tranh cãi sau tuyên bố của Bộ GD-ĐT ngày 21-8.
Đề xuất điều chỉnh thay vì bãi bỏ
Em Hoàng Phúc, học sinh trường THPT Trần Văn Ơn, Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã chia sẻ công khai ý kiến của mình về quyết định dừng 2 cuộc thi IOE và ViOlympic trên Internet của Bộ GD-ĐT vừa qua. “Là một học sinh lớp 10, gắn với hành trình dài của sân chơi học tập trực tuyến, em nhận thấy cuộc thi rất bổ ích, giúp học sinh tự trau dồi kiến thức, đánh giá khách quan năng lực bản thân về 2 bộ môn Tiếng Anh và Toán”, Hoàng Phúc cho biết.
Cũng theo Hoàng Phúc, đồng hành với cuộc thi IOE nhiều năm, bản thân Phúc nhận thấy hình thức cuộc thi được cải tiến, giúp luyện rèn kiến thức, kiểm tra năng lực và nâng cao kỹ năng tiếng Anh đặc thù. “Cuộc thi không quá tốn chi phí tổ chức, dễ dàng tiếp cận cho học sinh mọi vùng miền trên cả nước với hình thức thi trực tuyến lý thú. Với việc học tập, kiểm tra kiến thức như vậy, chúng em không chịu một áp lực tâm lý, mệt mỏi nào trong quá trình dự thi…
Hình thức thi như vậy còn kích thích sự hiếu động, giải quyết được tâm lý ham vui chán học của học sinh từ mọi cấp học. Thay vì dán mình vào những trang game vô bổ, chúng em hoàn toàn có thể “Học mà chơi, chơi mà học” một cách thoải mái” - Hoàng Phúc nhấn mạnh. Điều này cũng được nhiều phụ huynh ủng hộ khi cho rằng, các cuộc thi trực tuyến nên được duy trì vì nếu không còn cuộc thi nào nữa sẽ không thể kích thích các em học Toán, tiếng Anh.
Băn khoăn về chất lượng và biến tướng
Không phủ nhận những lợi ích mà các cuộc thi này mang lại nhưng trước thông tin các cuộc thi qua mạng vẫn được tổ chức độc lập, không có sự tham gia của Bộ GD-ĐT, nhiều phụ huynh vẫn lo ngại khả năng biến tướng với việc thu phí khiến cho các trường vẫn tiếp tục ép học sinh dự thi.
“Trước đây có việc thu phí luyện thi Vượt vũ môn hay như cuộc thi Trạng Nguyên thì đề xuất đóng tiền học theo chương trình cuộc thi. Vậy nếu không dừng hẳn thì liệu có khả năng, Bộ không bắt buộc nhưng địa phương, nhà trường vẫn có cách thức để ép buộc “tự nguyện” tham gia các cuộc thi tương tự?” - anh Nguyễn Chí Dũng, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Lê Lợi, Hà Đông thắc mắc.
“Tôi đề nghị học sinh và phụ huynh nào muốn con cái ôn luyện để nâng cao kiến thức cứ dự thi thoải mái, việc tổ chức, phát động và tặng thưởng là do đơn vị tổ chức thực hiện. Bộ GD-ĐT, các Sở và nhà trường không được phát động, yêu cầu học sinh tham gia. Cần nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc dùng tỷ lệ học sinh tham gia, học sinh đoạt giải để đánh giá phong trào của trường vì thực chất đơn vị tổ chức các cuộc thi là để kinh doanh và thu lãi khủng từ phí truy cập, mua sách hướng dẫn, mua thẻ để ôn luyện”, chị Nguyễn Thanh Hằng, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Pascal, Bắc Từ Liêm chia sẻ.
Nhiều phụ huynh, học sinh cũng đánh giá, các cuộc thi trực tuyến biến chất là do bị ép buộc dự thi thay vì tự nguyện tham gia. Sự biến tướng đó ngày một nhiều khi mà các cuộc thi này được cộng điểm khuyến khích xét tuyển đầu cấp hay được lấy làm tiêu chí bình xét thi đua của đơn vị và có cả hình thức xử phạt khi không tham gia... Nhìn nhận từ hiệu quả các cuộc thi có thể thấy, nếu những bất cập được kiểm soát, điều chỉnh thì các cuộc thi vẫn sẽ được đông đảo học sinh hưởng ứng với vai trò là sân chơi lý thú.
PGS Văn Như Cương: Phần lớn tiêu cực nhiều hơn tích cực
Tôi khá bất ngờ khi biết là các cuộc thi này vẫn sẽ tiếp tục. Học sinh của trường tôi những năm trước cũng có tham gia các cuộc thi này nhưng không nhiều. Về ý kiến cá nhân, tôi hoàn toàn tán thành việc bỏ các cuộc thi này bởi phần lớn các cuộc thi đều tiêu cực nhiều hơn tích cực. Trước đây những cuộc thi này không nở rộ vì không có chuyện cấm thi vào lớp 6. Khi cấm thi, bắt buộc các trường phải chọn ra những tiêu chí phụ.
Nắm bắt được chủ trương này, nhiều em phải lao vào thi cử rất mất thời gian. Hầu hết các cuộc thi qua mạng chỉ cần click máy tính thật nhanh nên có nhiều em, bố mẹ thi hộ. Có học sinh đoạt giải bơi lội nhưng sau đó vỡ lẽ, học sinh đó không hề biết bơi, còn chứng chỉ bơi lội là do... đi mua. Đặc biệt năm ngoái, có gia đình nộp cho trường huy chương vàng văn nghệ.
Sau khi tìm hiểu, hóa ra học sinh đó cùng 26 em khác trong nhóm tốp ca đều đoạt giải do quận tổ chức. Vậy nếu cộng điểm, cả 27 em đều được cộng. Chỉ ra những điều này để thấy rằng, nhiều cuộc thi phần bất cập nhiều hơn tích cực. Hãy để các em học tập ở trường và có thời gian nghỉ ngơi, lao động, tham gia các hoạt động thực tế thay vì bỏ quá nhiều thời gian vào các cuộc thi trên mạng.
TS Lê Thống Nhất: Không tạo sức ép để học sinh phải tham gia
Được coi là cha đẻ của các cuộc thi qua mạng, tôi vẫn ủng hộ các cuộc thi này. IOE vẫn tiếp tục được tổ chức mà không có sự tham gia của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, thay mặt những người sáng lập, tôi đề nghị các đơn vị không tạo sức ép cho thầy cô và học sinh phải tham gia. Hãy để mọi người đến với IOE là để học tập môn tiếng Anh tốt hơn.
Các phụ huynh thấy có tác dụng cho con em mình thì động viên các cháu luyện tập, tránh ép con em làm quá nhiều trên máy tính, ảnh hưởng tới sức khoẻ và tinh thần các cháu. Việc Bộ GD-ĐT có chính thức đồng hành với cuộc thi nữa hay không sẽ không ảnh hưởng tới việc tồn tại của trang học tập tiếng Anh này. Hy vọng sản phẩm này sẽ tiếp tục được sự ủng hộ của các thầy cô, phụ huynh và các em học sinh.