Bộ Công thương muốn tiếp tục giữ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá mặt hàng này. |
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công thương xây dựng, gửi xin ý kiến các bộ ngành.
Về quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu, tại Dự thảo này, Bộ Công thương cho rằng, không nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu như một số đề xuất trước đó.
"Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành giá. Nếu bỏ Quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu", Bộ Công thương nêu.
Thời gian qua, Quỹ BOG xăng dầu đã được Liên Bộ Công thương – Tài chính sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng quá mạnh, góp phần kiềm chế lạm phát.
Từ đó, Bộ Công thương đã đề xuất 3 phương án với Quỹ bình ổn xăng dầu.
Phương án 1: Giữ nguyên quy định về quản lý Quỹ bình ổn giá hiện hành.
Phương án 2: Tiếp tục giữ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều hành giá xăng dầu, tuy nhiên có sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá cụ thể.
Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ can thiệp điều hành giá thông qua việc điều chỉnh mức trích lập, chi Quỹ bình ổn giá khi giá xăng dầu công bố kỳ này so với kỳ công bố giá liền trước có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên. Phương án này để vừa bảo đảm Nhà nước có thể điều hành khi cần thiết, nhưng giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào giá xăng dầu.
Phương án 3: Bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Với nội dung này, Bộ Công thương lựa chọn phương án 2, theo đó tiếp tục có quy định về Quỹ bình ổn giá, tuy nhiên, có quy định cụ thể về các trường hợp phải sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá (trích lập và chi), đồng thời công thức giá có sự thay đổi theo hướng nhà nước chỉ công bố giá định hướng gồm các yếu tố về giá thế giới, các loại thuế, lợi nhuận định mức, các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.
Bộ cho rằng, lựa chọn phương án 2 nhằm bảo đảm giá xăng dầu dần theo thị trường, phản ánh đủ chi phí phát sinh của doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giưac các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường.