| ||
Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi |
Trong đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 vừa được Tổ thường trực Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp đưa ra lấy ý kiến, trong thủ tục thành lập doanh nghiệp, có 3 phương án được đề xuất liên quan đến việc ghi ngành nghề kinh doanh doanh nghiệp.
Thứ nhất, bỏ hoàn toàn phần ghi ngành nghề đăng ký doanh nghiệp. Phương án hai là doanh nghiệp chủ động ghi, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ mã hóa theo yêu cầu quản lý nhà nước. Phương án 3 là doanh nghiệp chủ động ghi và mã hóa theo nhóm ngành II.
Trong số các phương án này, phương án 1 thể hiện triệt để nhất nguyên tắc doanh nghiệp được phép kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm. Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh sẽ hoàn toàn do doanh nghiệp chủ động theo cơ hội thị trường mà không cần phải cố gắng liệt kê càng nhiều càng tốt ngành nghề đăng ký để ghi vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như hiện tại. Trong trường hợp này, lỗi vi phạm kinh doanh trái ngành nghề đăng ký kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp thường gặp khi không kịp bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh sẽ bị xóa sổ.
Tất nhiên, trong trường hợp này, doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật về các ngành nghề cấm kinh doanh và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Cùng với đề xuất áp dụng cùng một thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần cho mọi nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tách bạch thành lập doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh, thủ tục thành lập doanh nghiệp sẽ có những thay đổi căn bản.
Ông Phan Đức Hiếu, thành viên Tổ thường trực cho biết, thủ tục gia nhập thị trường với mục tiêu ghi nhận pháp nhân mới sẽ rất đơn giản, nhanh chóng và dễ dàng, bãi bỏ yêu cầu về điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, vốn... tại thời điểm thành lập doanh nghiệp. Các điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ bắt đầu xem xét khi doanh nghiệp bắt tay vào các hoạt động đầu tư, kinh doanh cụ thể.
Tuy nhiên, cũng đang có ý kiến cho rằng, việc quản lý nhà nước của Việt Nam dựa nhiều vào ngành nghề đăng ký kinh doanh, nên việc lấy ý kiến cho phương án 1 không dễ dàng.
Khánh An