Ảnh minh họa. |
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi UBND TP. Hải Phòng về đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua TP. Hải Phòng.
Sau khi tham khảo ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Bộ GTVT cho biết, tại Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) có chiều dài khoảng 109km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Đến nay, UBND Hải Phòng đang đầu tư xây dựng khoảng 22 km (Hải Phòng 13km, Thái Bình 9km), UBND tỉnh Thái Bình đang chuẩn bị đầu tư khoảng 80 km (Ninh Bình 18km, Nam Định 29km, Thái Bình 33km). Như vậy, chỉ còn khoảng 7km đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng chưa được nghiên cứu đầu tư.
“Để sớm hình thành đường cao tốc kết nối các khu công nghiệp, dịch vụ, cảng biển phía Đông TP. Hải Phòng với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển giữa các địa phương ven biển vùng Đồng bằng sông Hồng, việc UBND thành phố Hải Phòng đề xuất đầu tư đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua địa phận TP. Hải Phòng (đoạn còn lại) là cần thiết”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.
Tuy nhiên, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ GTVT được phân bổ vốn khoảng 304.000 tỷ đồng chỉ đáp ứng yêu cầu đầu tư một số đường cao tốc, khởi công mới một số dự án động lực, cấp bách và xử lý các điểm nghẽn thuộc 5 chuyên ngành giao thông nên chưa thể bố trí nguồn vốn để triển khai đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Để tạo điều kiện cho các địa phương quản lý, đầu tư các đoạn cao tốc qua địa bàn, Bộ GTVT đã điều chỉnh thẩm quyền đầu tư các đoạn cao tốc trong dự thảo Luật Đường bộ và đã được Chính phủ trình Quốc hội, sau khi dự thảo Luật được ban hành làm cơ sở để các địa phương đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện UBND TP. Hải Phòng là cơ quan có thẩm quyền triển khai đầu tư tuyến đường ven biển đoạn qua TP. Hải Phòng và 9km đoạn qua tỉnh Thái Bình theo hình thức BOT, dự án khởi công quý I/2018, dự kiến hoàn thành năm 2023.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hải Phòng nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án bổ sung đoạn tuyến cao tốc vào dự án đầu tư đường ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.
Trong trường hợp UBND TP. Hải Phòng nghiên cứu, tính toán phương án đầu tư theo hình thức BOT không bảo đảm tính khả thi, Bộ GTVT ủng hộ đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để đầu tư tuyến đường và giao thành phố Hải Phòng quyết định đầu tư dự án để thuận lợi trong công tác GPMB, huy động nguồn lực, chỉ đạo thực hiện đầu tư.
Do việc chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư tuyến cao tốc vượt thẩm quyền quyết định của Bộ GTVT, đề nghị UBND TP.Hải Phòng nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
“Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ địa phương trong quá trình thực hiện đầu tư”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Trước đó, ngày 8/10/2022, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6742/VPCP-CN về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.
Theo đó, căn cứ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 7394/VPCP-KTTH ngày 7/9/2020 về việc sử dụng ngân sách địa phương đầu tư đường quốc lộ qua địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ GTVT chủ trì, thống nhất với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, UBND TP. Hải Phòng và các cơ quan liên quan về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua TP. Hải Phòng.
Vào đầu tháng 2/2022, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua TP. Hải Phòng bằng nguồn vốn Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội.
Dự án có chiều dài tuyến là khoảng 6 km, vận tốc thiết kế 100 km/h, với quy mô bề rộng nền đường 24,75m, tương ứng 4 làn xe, kết cấu mặt đường bê tông nhựa.
Trên tuyến xây dựng 2 nút giao: nút giao đầu tuyến với tuyến đường bộ ven biển (tại Km5+300) dạng ngã ba đồng mức; nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tại Km93+970) dạng hoa thị (quy hoạch là nút giao ngã 4).
Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.781 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn ngân sách Trung ương, Ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó kế hoạch vốn năm 2022 là 500 tỷ đồng; năm 2023 là 1.100 tỷ đồng; năm 2024 là 181 tỷ đồng. Dự kiến tiến độ thực hiện Dự án là 2022 – 2024.