Thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn Chí Thạnh - Vân Phong. |
Đây là yêu cầu được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đặt ra cho các ban quản lý dự án trực thuộc nhằm triển khai có hiệu quả đợt thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc.
Trong Công văn số 9312/BGTVT-CQLXD, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu lãnh đạo các ban quản lý dự án phải chủ động và chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thi công phối hợp với các địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng; tập trung, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ”, “làm việc nào dứt việc đó”, “đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm” để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Các ban quản lý dự án được giao chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thi công tập trung thi công các hạng mục là đường găng tiến độ như: công trình hầm, cầu lớn; khu vực phải gia tải, xử lý nền đất yếu,...
Đặc biệt, các ban quản lý dự án phải xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết “đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025” phù hợp điều kiện giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu, điều kiện thời tiết để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm soát chặt tiến độ thi công các dự án, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc; gửi tiến độ các dự án về Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Cục Đường cao tốc Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án Thăng Long xây dựng kế hoạch, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư Dự án Dầu Giây - Tân Phú để sớm khởi công dự án; Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo các nhà thầu phối hợp với các địa phương để sớm giải quyết nguồn cát đắp cho Dự án Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau, Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tìm kiếm nguồn cung cấp đá cho Dự án Hòa Liên - Túy Loan.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Cục Đường cao tốc Việt Nam được giao đôn đốc các chủ đầu tư/ban quản lý dự án xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết “đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025”; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tiến độ nhất là Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Hòa Liên - Túy Loan, Cao Lãnh - Lộ Tẻ.
Hai cục quản lý chuyên ngành về xây dựng, đầu tư hệ thống đường cao tốc này cũng sẽ phải phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết “đường găng tiến độ hoàn thành các dự án trong năm 2025”, đảm bảo hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 (đặc biệt, đối với 436 km thuộc 14 dự án/dự án thành phần đang chậm tiến độ).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao các thứ trưởng theo phân công nhiệm vụ tích cực đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư/ban quản lý dự án chủ động làm việc với các địa phương để hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025, trong đó đặc biệt là các dự án hiện nay còn chậm tiến độ. Đối với các nhiệm vụ do các bộ, ngành, địa phương được giao thực hiện, đề nghị các đồng chí Thứ trưởng đôn đốc các đơn vị tích cực phối hợp để triển khai đẩy nhanh tiến độ.
Được biết, trong 3 năm vừa qua, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000 km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100 km; các dự án đang thi công với trên 1.700 km, chuẩn bị khởi công khoảng 1.400 km; các dự án trải dài qua khắp 48 tỉnh thành trên cả nước.
Tính trung bình trong 3 năm qua, mỗi năm cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 300 km đường cao tốc, bằng cả 10 năm trước đó cộng lại.
Tuy nhiên, để có thể hoàn thành gần 1.000 km đường cao tốc còn lại trong khoảng 500 ngày đêm vẫn là một thử thách rất lớn buộc ngành GTVT phải tạo nên bước nước rút thần tốc hơn nữa.
Cụ thể, ngoài 2.021 km đã đưa vào khai thác, hiện có khoảng 1.700 km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công, trong đó, khoảng gần 1.200 km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025.
Trong số các dự án có kế hoạch về đích năm 2025, gần 700km (thuộc 13 dự án/dự án thành phần) cơ bản đáp ứng tiến độ; hơn 300km còn lại, cần quyết liệt chỉ đạo và tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc mới có thể hoàn thành trong năm 2025.