Danh mục các dự án phát triển phương tiện đường sắt giai đoạn 2012 - 2015 kèm theo Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 07/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, mục dự án đầu tư toa xe chỉ được đầu tư đóng mới toa xe, không có danh mục đầu tư toa xe đã qua sử dụng |
Trong thông cáo vừa được phát đi vào sáng nay, Bộ Giao thông vận tải cho biết là sẽ thực hiện các quy trình thủ tục xem xét việc kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc chỉ đạo khảo sát, nghiên cứu đầu tư chưa đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ khi có ý định mua, nhập khẩu toa xe đã qua sử dụng.
"Yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban Lãnh đạo Tổng công và các cán bộ có liên quan theo đúng chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải tại Công văn số 1484/BGTVT-TCCB ngày 03/02/2016 trước ngày 15/3/2016", Thông cáo của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Chỉ đạo này được đưa ra sau khi tổ công tác đặc biệt của Bộ GTVT có kết quả kiểm tra các vấn đề về mua, nhập khẩu toa xe đã qua sử dụng thời gian qua của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo đó, tại Danh mục các dự án phát triển phương tiện đường sắt giai đoạn 2012-2015 kèm theo Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 07/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ, mục dự án đầu tư toa xe chỉ được đầu tư đóng mới toa xe, không có danh mục đầu tư toa xe đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội và các đơn vị có liên quan đã có chủ trương thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu mua toa xe đã qua sử dụng khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải. Đồng thời, cung cấp thông tin cho cơ quan ngôn luận không đầy đủ, thiếu chính xác nên đã gây dư luận hiểu lầm, ảnh hưởng đến uy tín của ngành và Bộ Giao thông vận tải.
Trước đó vào đầu tháng 2/2016, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty báo cáo ngay trong ngày việc doanh nghiệp này đã có công văn gửi Cục Đường sắt Côn Minh về đề nghị mua to a xe đã qua sử dụng của đối tác Trung Quốc.
Cùng với đó, Tổng công ty được yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm hội đồng thành viên, ban lãnh đạo trong việc giao nhiệm vụ cho các đơn vị thương thảo hợp đồng nói trên.
Đặc biệt, người đứng đầu ngành Giao thông yêu cầu hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt cho thôi nhiệm vụ đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đối với ông Nguyễn Viết Hiệp đồng thời chỉ đạo Hội đồng quản trị công ty này cách chức tổng giám đốc của ông Hiệp.
Lý do mà Bộ Giao thông nêu ra là do ông Hiệp và cán bộ có liên quan đã làm trái thẩm quyền trong khi làm văn bản gửi các cơ quan Nhà nước. Lãnh đạo công ty cũng được cho là đã không thực hiện đúng chủ trương về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị dầy chuyền đã qua sử dụng.
Vụ việc này được bắt đầu khi vào tháng 1/2016, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã có văn bản gửi thẳng lên Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Giao thông Vận tải đề nghị hướng dẫn đơn vị này mua, nhập khẩu lô toa xe hàng cũ từ Trung Quốc để khai thác trong nước.
Trước đó, doanh nghiệp này đã nhận được sự chấp thuận của Công ty mẹ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về chủ trương mua lại 164 toa xe cũ từ Trung Quốc.
Đáng chú ý trong số này có tới 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước. Còn gần 20 toa mới nhất trong lô hàng cũng đã có tuổi đời 12 năm.
Đây đều là những toa xe được sử dụng trên đường ray khổ 1.000mm nên theo ngành đường sắt là phù hợp với điều kiện hạ tầng trong nước.
Theo công ty, từ giữa năm ngoái, công ty mẹ Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Cục Đường sắt Côn Minh và giao cho hai công ty con là TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt đứng ra thương thảo với đối tác và xúc tiến thủ tục hợp đồng.
Đại diện doanh nghiệp khẳng định các mặt hàng kể trên không nằm trong danh mục các loại vật tư đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu của Nghị định 187.
Trong khi đó, Thông tư 20 mà Bộ Khoa học Công nghệ ban hành quy định điều kiện các mặt hàng cũ được nhập khẩu đã được chính cơ quan này hủy bỏ và Thông tư 23 mới thay thế văn bản này phải tới 1/7/2016 mới có hiệu lực.