Một tàu bay của IPP Air Cargo. (Ảnh: IPP Group). |
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn số 9841/BGTVT – VT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo.
Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về GTVT cho biết là đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ngành liên quan về việc việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo, trong đó có ý kiến của Bộ Công an và cập nhật tình hình phát triển ngành hàng không, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật liên quan.
Tại công văn số 9841, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho Công ty cổ phần IPP Air Cargo như các nội dung đã nêu trong Hồ sơ xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành.
“Đến thời điểm này, Hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa của Công ty cổ phần IPP Air Cargo (trong đó có cập nhật về thị trường, các thông tin liên quan đến Công ty cổ phần IPP Air Cargo và của nhà đầu tư) vẫn phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 92/2016/NĐ-CP và Nghị định số 89/2019/NĐ-CP của Chính phủ”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.
Tính đến 31/7/2022, tại thị trường nội địa có 5 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines (bao gồm VASCO), Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines đang khai thác thường lệ 69 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM với 19 sân bay địa phương theo hệ thống mạng đường bay trục-nan, liên vùng, nội vùng rộng khắp toàn quốc.
Đối với thị trường hàng không quốc tế, hơn 60 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam khai thác 110 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam với 24 quốc gia/vùng lãnh thổ là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc (Trung Quốc), Hồng Công, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Lào, Philippines, Australia, Đức, Pháp, Anh, UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Indonesia, Luxembourg…, trong đó, các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 63 đường bay quốc tế đến 18 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Số lượng hãng hàng không nước ngoài có chuyến bay chuyên chở hàng hóa thường lệ bằng tàu bay chuyên dụng đến Việt Nam là 47 hãng hàng không (20 hãng nước ngoài khai thác đồng thời cả chuyến bay chở khách và chuyến bay chở hàng hóa đến Việt Nam như Korean Air, Asiana Airlines, China Airlines, Eva Air, Turkish Airlines, Emirates Airlines, Qatar Airways… và 27 hãng hàng không nước ngoài chỉ có chuyến bay chuyên chở hàng hóa).
Cộng dồn 8 tháng đầu năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách cả nước đã đạt 34,2 triệu lượt hành khách tăng 151,1% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng vận chuyển nội địa đã đạt 29,4 triệu lượt hành khách tăng 120,8% so với 8 tháng đầu năm 2021 và cũng tăng 15,2% so với 8 tháng đầu năm 2019.
Đối với vận chuyển hàng hóa, sản lượng vận chuyển đã đạt 788,8 nghìn tấn hàng hóa đạt xấp xỉ cùng kỳ 2021 cũng như cùng kỳ 2019; sản lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 699,4 nghìn tấn hàng hóa tăng 0,3% so cùng kỳ 2021 và tăng 6,5% so cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, dù sản lượng hàng hóa tăng cao nhưng thị phần vận chuyển quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam vẫn chỉ đạt 13,9% do lượng hàng chuyên chở chỉ là hàng kết hợp trên các chuyến bay chuyên chở hành khách, không chủ động do các hãng ưu tiên tải chở khách kèm hành lý của hành khách.
Bộ GTVT đánh giá, việc Công ty cổ phần IPP Air Cargo ra đời nhằm mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải, góp phần giảm thiểu chi phí vận tải tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp.
Dự kiến, với xuất hiện của IPP Air Cargo sẽ thúc đẩy tăng trưởng vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam tăng trưởng 10-15%/năm (dự kiến sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không của Công ty cổ phần IPP Air Cargo sẽ tăng dần trong các năm, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân năm dự kiến là 18%-20%).