Đầu tư
Bộ GTVT: Không có chuyện nhà thầu yếu lọt vào Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Anh Minh - 29/12/2022 07:32
Đến nay 12 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam giai đoạn 2 đều đã hoàn thành việc đánh giá hồ sơ đề xuất của 12 gói thầu được lựa chọn khởi công vào ngày 31/12/2022.
Thi công cao tốc Bắc - Nam, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

“Cho đến thời điểm này, các ban quản lý dự án đã chọn xong nhà thầu của 14/25 gói thầu xây lắp thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025. Trong quá trình xét thầu, các chủ đầu tư đã kiên quyết loại các đơn vị thi công Dự án xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vi phạm tiến độ bị chấm dứt hợp đồng hoặc cắt, điều chuyển khối lượng”, ông Lê Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) thông tin tại cuộc họp báo về tình hình triển khai các dự án đường cao tốc Băc – Nam hôm 28/12.

Lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư cho biết, việc lựa chọn được nhà thầu xây lắp có đủ năng lực, kinh nghiệm được Bộ GTVT là yếu tố quyết định đến thành công của Dự án.

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban quản lý dự án được giao làm chủ đầu tư chủ động rà soát năng lực (kỹ thuật, tài chính), kinh nghiệm thực hiện hợp đồng, công trình tương tự theo các quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu; đánh giá thực hiện thực hiện tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Trên cơ sở đó, căn cứ tính chất kỹ thuật của các công trình và các điều kiện cụ thể của từng dự án thành phần, các ban quản lý dự án đã đề xuất, trình Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó phân chia mỗi dự án thành phần thành 1 đến 3 gói thầu xây lắp có quy mô từ 3.000 đến 8.000 tỷ đồng.

Việc phân chia gói thầu xây lắp nêu trên đã được các Ban quản lý dư án  và các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT nghiên cứu kỹ lưỡng đảm bảo phù hợp điều kiện năng lực thực tế của các nhà thầu xây lắp hiện nay, phù hợp tính chất kỹ thuật của các công trình, phù hợp điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, địa giới hành chính; đồng thời tạo thuận lợi trong việc tổ chức thi công xây dựng và quản lý thực hiện hợp đồng (tính liên tục của các công trình cầu, đường thuộc mỗi gói thầu; phương án điều phối vật liệu đào, đắp; phương án bố trí các mũi thi công; số lượng, trữ lượng, vị trí các mỏ vật liệu, bãi đổ vật liệu thải; đường công vụ nội, ngoại tuyến …).

Trên cơ sở quy mô, tính chất của các dự án thành phần, các Ban quản lý dự án đã phối hợp  xây dựng các tiêu chí chính về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu để thực hiện công tác chỉ định thầu để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất; từ đó, đã lập, phê duyệt HSYC các gói thầu xây lắp để tổ chức lựa chọn nhà thầu đảm bảo phù hợp quy mô, tính chất kỹ thuật của các công trình chính (đường, cầu, hầm) thuộc phạm vi từng gói thầu xây lắp.

Các tiêu chí chính để đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu xây lắp đã được các Ban quản lý dự án thực hiện bám sát quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, Nghị định 15/2021/NĐ-CP; trong đó bao gồm: yêu cầu về năng lực hành nghề thi công xây dựng và khảo sát, thiết kế theo quy định pháp luật về xây dựng; tiêu chí đánh giá về năng lực tài chính (yêu cầu về doanh thu bình quân hằng năm; yêu cầu về nguồn lực tài chính); tiêu chí đánh giá về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự...

Bên cạnh đó, để đảm bảo công khai minh bạch công tác lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu của dự án, Bộ GTVT nhiều lần tại các cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đăng tải thông tin nhà thầu công khai rộng rãi để đảm bảo tuân thủ pháp luật và Bộ GTVT cũng nghiêm cấm các hành vi không minh bạch trong lựa chọn nhà thầu.

“Tôi có thể khẳng định các nhà thầu được chọn thi công các gói thầu xây lắp thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 đều là những đơn vị có thực lực, kinh nghiệm nhất Việt Nam hiện nay”, ông Tiến nói.

Tin liên quan
Tin khác