Nha ga đến nội địa Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vắng lặng vào ngày 20/4/2020. |
Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 4/2020, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không chỉ đạt 188.000 khách, trong đó khách quốc tế đạt 21.000 khách lần lượt giảm 98% và 99,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong tháng 4/2020, chỉ có 64.000 tấn hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không, giảm 93,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm chưa từng có này xuất phát từ việc cả nước thực hiện đợt giãn cách xã hội dài ngày trong tháng 4/2020 và tâm lý e ngại di chuyển trong đợt dịch Covid – 19 của người dân.
Trong báo cáo vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đánh giá ngành hàng không bị ảnh hưởng nhiều nhất trong 5 chuyên ngành vận tải. Cho tới ngày 23/4, các hãng hàng không Việt Nam gần như đã dừng khai thác toàn bộ các đường bay quốc tế và nội địa, chỉ khai thác một số chuyến bay để vận chuyển khách từ Việt Nam đi quốc tế, các chuyến bay chở hàng hóa và 3 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM với tần suất tối thiểu để phục vụ nhu cầu thiết yếu về vận chuyển hàng không.
Hầu hết, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đang phải đậu lại tại các cảng hàng không, không được đưa vào khai thác.
Đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong lĩnh vực hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong quý I năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines giảm khoảng 26%; doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) giảm khoảng 24%; sản lượng điều hành bay và doanh thu Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ GTVT lo ngại ngành hàng không đang diễn ra theo tình huống xấu với hơn các kịch bản đã dự báo, với tổng thị trường năm 2020 đạt khoảng 43 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019 và phải đến cuối năm 2020 thị trường vận chuyển hàng không nội địa mới có thể khôi phục đầy đủ.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã đưa ra 3 kịch bản cho thị trường hàng không dựa trên thời điểm phía Trung Quốc công bố hết dịch virus Corona.
Cụ thể, đối với phương án tối ưu (công bố hết dịch vào tháng 4/2020), tổng khách vận chuyển bằng hàng không cả nước năm 2020 đạt 80 triệu lượt (41 triệu khách quốc tế và 30 triệu khách nội địa), tăng 1,1% so với năm 2019. Với phương án trung bình (công bố hết dịch vào tháng 6/2020), tổng khách vận chuyển bằng hàng không cả nước năm 2020 chỉ đạt 74,6 triệu lượt (37,6 triệu khách quốc tế và 36,4 triệu khách nội địa), giảm 5,7% so với năm 2020. Với phương án thấp và cũng là xấu nhất (công bố hết dịch vào tháng 8/2020), tổng khách toàn thị trường chỉ đạt vỏn vẹn 65,5 triệu lượt (32,5 triệu khách quốc tế và 33 triệu khách nội địa), giảm 17,2% so với năm 2020.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành hàng không, Bộ GTVT cho biết là trong thẩm quyền của mình, Bộ GTVT đã tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng hàng không sau thời gian hết dịch liên quan đến việc sử dụng slot tại các cảng hàng không Việt Nam (không áp dụng việc tính slot lịch sử trong việc phân bổ slot cho các hãng hàng không Việt Nam); tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chở khách (cấp phép, tiêu chuẩn an toàn bay, lịch bay) thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo chấp hành các quy định của pháp luật; triển khai công tác quản lý giám sát vận tải hàng không trên cơ sở trực tuyến, tăng tính linh hoạt trong việc ra quyết định hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính…
Đối với các dịch vụ hàng không khác thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp, Bộ GTVT thông qua Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng dịch vụ chủ động hỗ trợ nhau. Hiện nay, ACV đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không đang sử dụng dịch vụ tại các cảng hàng không của ACV. Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá là: dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thuê băng chuyển, xử lý hành lý tự động, thuê quầy thủ tục hành khách, thuê cầu dẫn khách, phục vụ mặt đất giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng: đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ giảm 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm 30%. Các dịch vụ trên được miễn, giảm giá từ 1/3/2020 đến hết tháng 8/2020.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách áp dụng chung cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực hàng không như cho phép các cơ quan, đơn vị được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn. Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách; áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.