Ảnh minh họa |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 đã làm rõ thêm bản chất của tổ chức hợp tác xã là “phục vụ thành viên”, tăng cường hợp tác nội bộ và tham gia thị trường để phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta.
Việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bước đầu làm thay đổi nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong các thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật hợp tác xã năm 2012 đã nảy sinh một số tồn tại, bất cập cần sửa đổi, bổ sung.
Theo báo cáo tổng kết, mặc dù số lượng hợp tác xã cả nước trong thời gian qua có tăng đáng kể từ 19.357 hợp tác xã (năm 2013) đến 26.642 hợp tác xã (30/6/2021).
Tuy nhiên, số lượng thành viên hợp tác xã cả nước giảm từ 8 triệu thành viên (năm 2013) xuống 5,7 triệu thành viên (năm 2021), chiếm khoảng 5,8% dân số cả nước; bình quân 413 thành viên/hợp tác xã (năm 2013) giảm xuống 213 thành viên/hợp tác xã (năm 2021). Lao động thường xuyên trong hợp tác xã cũng ngày một giảm qua các năm từ 1.189.652 người (năm 2013) xuống 807.888 người (tính đến ngày 30/6/2021).
Điều này phản ánh thực trạng phát triển hợp tác xã ở nước ta đang chưa đúng hướng, chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí trong nền kinh tế của đất nước, bản thân các hợp tác xã chưa quan tâm đến phát triển thành viên.
Do vậy, việc xây dựng dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi) là cần thiết nhằm mục tiêu tạo hành lang pháp lý thông thoáng, loại bỏ các quy định rào cản hợp tác xã tham gia thị trường, phát triển thành viên, phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm và phát huy đặc trưng, nguyên tắc cơ bản của hợp tác xã.
Dự thảo Luật hợp tác xã (sửa đổi) đề xuất các nhóm chính sách gồm:
Hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế tập thể và tổ chức đại diện;
Hoàn thiện các quy định về phát triển thành viên, mở rộng thị trường và nâng cao khả năng thu hút vốn cho hợp tác xã;
Hoàn thiện các quy định về quản lý, điều hành hợp tác xã;
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã;
Hoàn thiện các quy định về bản chất và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của hợp tác xã.