Bộ máy mới MobiFone đã kiện toàn
Ngay trong tháng 3/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phê duyệt mô hình hoạt động mới của MobiFone và cấp lại các giấy phép cho MobiFone để trong quý II/2015, MobiFone có thể mở rộng các lĩnh vực khai thác kinh doanh mới như trong quyết định thành lập Tổng công ty MobiFone.
MobiFone đang tiến hành các thủ tục cần thiết để thuê tư vấn cổ phần hóa |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng đã chỉ đạo MobiFone cần sớm kiện toàn chức danh Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính, bám sát chiến lược kinh doanh đã được phê duyệt, chú trọng đầu tư cho các công nghệ mới, dịch vụ mới, đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng...
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lưu ý, muốn cổ phần hóa MobiFone, trước mắt cần tổ chức lại MobiFone để tinh gọn bộ máy, đạt đến trình độ quản trị cao nhất, hiệu quả kinh doanh tốt nhất.
Liên quan đến bộ máy MobiFone, trước đó (ngày 31/12/2014), Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao quyết định giao ông Lê Nam Trà, Tổng giám đốc MobiFone sẽ kiêm phụ trách chức vụ Chủ tịch MobiFone thay ông Mai Văn Bình nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/1/2015.
Sau đó, cuối tháng 1/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ nhiệm ông Hồ Tuấn, Trưởng phòng Tổ chức hành chính và bà Phan Thị Hoa Mai, Trưởng phòng Tài chính kế toán của MobiFone giữ chức thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty Viễn thông MobiFone. Tháng 2/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã bổ nhiệm 4 phó tổng giám đốc MobiFone là ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ giá trị gia tăng; ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm 6; ông Nguyễn Bảo Long, Giám đốc Trung tâm Đo kiểm chất lượng và ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc cũ MobiFone.
Ông Lê Nam Trà cho biết, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone và Tổ giúp việc, MobiFone đã tiến hành rà soát để chốt số liệu đến ngày 31/3/2015. MobiFone cũng đang làm các thủ tục cần thiết để thuê tư vấn cổ phần hóa.
“MobiFone đã được Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, tạo điều kiện và bổ nhiệm thêm 4 phó tổng giám đốc mới. Đây là một sự bổ sung hết sức quan trọng. Hơn nữa, chúng tôi còn được Bộ phê duyệt và tạo cơ chế mới cho vấn đề đầu tư. Những năm trước, do hạn chế về đầu tư, nên nếu so với các nhà mạng khác, MobiFone kém hơn về vùng phủ và số lượng trạm. Nhưng thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng trạm, vùng phủ, mang lại sự hài lòng cho khách hàng”, ông Trà tự tin.
Đại gia ngoại nhòm ngó
Cũng theo ông Trà, khối lượng công việc hiện nay rất nhiều và nặng, nhưng sẽ không có trở ngại gì lớn trong việc cổ phần hóa, bởi MobiFone đã là một công ty hạch toán độc lập từ nhiều năm nay, các số liệu, các vấn đề về kiểm toán, tài sản, tài chính... đều đã được chuẩn bị sẵn sàng và hiện đã trở thành quy chế, thành nền nếp, nên một khi bắt tay vào triển khai, cổ phần hóa sẽ rất nhanh.
Liên quan đến tiến trình cổ phần hóa, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cũng yêu cầu MobiFone xem xét, đề xuất đối tác chiến lược nước ngoài để trình Bộ Thông tin và Truyền thông. Đối tác này cần đáp ứng được các tiêu chí về kinh nghiệm thị trường, uy tín, nguồn vốn, công nghệ...
Với việc MobiFone được nâng lên tổng công ty, kiện toàn bộ máy, giá trị thương hiệu sẽ tăng lên khi cổ phần hóa. Ở nước ngoài, giá trị giấy phép viễn thông có khi lên đến hàng tỷ USD. Do đó, khi MobiFone được cấp thêm các giấy phép sẽ giúp giá trị thương hiệu được đánh giá tốt hơn, giá trị doanh nghiệp được nâng cao hơn, tạo thuận lợi cho MobiFone khi cổ phần hóa.
Chính vì vậy, ngay trong năm 2014, hàng loạt nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn trở thành đối tác chiến lược của MobiFone, như Ngân hàng Standard Chartered, Comvik International Vietnam AB, Công ty Telenor, Vodafone, Singtel, T-Mobile, Orange (France Telecom)…
Hữu Tuấn