Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện một số dự án mới đúng tính chất PPP |
Sáng nay (30/11), tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp thường niên Nhóm công tác PPP các ngành hàng nông nghiệp.
Bà Hồng Hạnh, Ban Thư ký Đối tác phát triển bền vững (PSAV) cho biết, kể từ khi thành lập 5 nhóm công tác Hợp tác công tư (PPP) nông nghiệp năm 2009 đến nay, Việt Nam đã có 8 nhóm PPP nông nghiệp và đang xúc tiến thành lập một số nhóm PPP ngành hàng khác như chăn nuôi, gạo, sữa.
Tuy nhiên, khác với trước đây, các nhóm PPP chủ yếu do doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn, Chính phủ chủ yếu chỉ tham gia đối thoại và tháo gỡ chính sách, thì bắt đầu từ năm 2015, Bộ NN&PTNT đã bắt đầu chủ trương thực hiện một số dự án mới, mang đúng tính chất PPP. Cụ thể, sẽ thử nghiệm ở 6 dự án. Trong đó có dự án được Bộ NN&PTNT phối hợp với các đối tác như IDH, Unilever, Nestle phối hợp thực hiện. Trong đó, Chính phủ có thể góp tới 30% kinh phí, 70% kinh phí còn lại là từ các công ty đối tác.
Hiện các dự án đã được hoàn thiện về văn kiện, thủ tục và đã được gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đăng ký. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng xong Thông tư hướng dẫn về PPP nông nghiệp và đang chờ Chính phủ phê duyệt. Khi Thông tư được ban hành, Bộ NN&PTNT mới có cơ sở pháp lý để góp vốn cùng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, ngành nông nghiệp Việt Nam đang tập trung thu hút vốn đầu tư tư nhân để tái cơ cấu ngành, hướng tới nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, dựa vào KHCN, quản trị. Thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp qua hình thức PPP là một trong những giải pháp được Bộ NN&PTNT chú trọng. Điều đáng mừng là giải pháp này đã thu hút được sự quan tâm tham gia của 15 tập đoàn lớn và rất nhiều doanh nghiệp trong nước. Cho đến nay, kết quả hoạt động của các nhóm PPP rất khác nhau, thành công nhất là nhóm PPP cà phê, chè. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định, Bộ sẽ luôn theo sát các nhóm PPP để đưa ra các cơ chế chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn đầu tư xã hội vào quy trình sản xuất chuỗi.
Tính đến hết năm 2015, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ có 521 dự án với tổng số vốn đăng ký 3,63 tỷ USD, chiếm 1,3% số vốn FDI đăng ký của cả nước.
Phát biểu tại buổi họp thường niên sáng nay, nhiều nhóm PPP đề nghị, các cơ quan chính phủ cần phải tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động của nhóm, cùng với các nhà đầu tư.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các dự án PPP còn gặp một số vướng mắc chủ yếu sau: hành lang pháp lý chưa hoàn thiện; vốn ngân sách tham gia PPP thấp; cán bộ hầu hết còn kiêm nhiệm, chưa sát sao hoặc chưa có đủ kiến thức chuyên sâu về PPP nên khả năng tham gia cùng nhà đầu tư còn hạn chế…