Khoản 2, Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014, đại hội cổ đông thường niên phải họp mỗi năm 01 lần trong vòng 04 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Thường năm tài chính của doanh nghiệp đại chúng Việt kết thúc vào ngày 31/12 thì đại hội cổ đông phải họp trước 30/04 hàng năm, việc gia hạn họp được phép nhưng không quá 30/06 hàng năm.
Trước tình hình đại dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp lớn như Thế giới di động, Viettel đã phải hoãn hoặc lùi lịch tổ chức đại hội cổ đông sang tháng 4 hoặc tháng 5.
Công ty Cổ phần Vinhomes đã công bố thông tin về công văn của Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội chấp thuận việc gia hạn họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020 theo đề nghị của HĐQT. Tương tự, Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố thông tin về việc HĐQT Sabeco ban hành Nghị quyết phê duyệt hoãn ngày tổ chức ĐHCĐ thường niên 2020 do lo ngại diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cũng công bố thông tin về Nghị quyết của Hội đồng quản trị thông qua việc gia hạn thời gian tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, thay vì dự kiến tổ chức ngày 27/3. Lý do gia hạn nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Việt Nam và thực hiện khuyến cáo của Bộ Y tế về việc hạn chế các sự kiện tập trung đông người.
Nhiều doanh nghiệp hoãn họp ĐHCĐ thường niên 2020 |
Trong lĩnh vực tài chính, ACB, Techcombank, SSI… cũng đã công bố hoãn tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020 để hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh do COVID-19. Tương tự trong lĩnh vực bất động sản, Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (DXG), Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG), Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG), Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR)… cũng đồng loạt xin dời thời gian tổ chức đại hội cổ đông, nguyên nhân chủ yếu vì lo ngại tình hình dịch bệnh Covid-19.
Đại hội cổ đông trực tuyến - xu hướng thịnh hành trên thế giới
Mặc dù một số dự báo của các chuyên gia đầu ngành cho rằng dịch sẽ giảm dần từ tháng 6 nhưng cũng không ít quan ngại về đại dịch chưa biết bao giờ kết thúc trong khi đó, vẫn chưa có vaccine kháng virus corona.
“Nếu lùi đại hội cổ đông đến tháng 6 đi chăng nữa, rủi ro phải đối mặt là vẫn chưa thể tổ chức ĐHCĐ tập trung các cổ đông. Ban lãnh đạo đang tính giải pháp họp ĐHCĐ trực tuyến từ bây giờ để không bị động về mặt thời gian, chủ động các kế hoạch sản xuất, kinh doanh”, Giám đốc Truyền thông một doanh nghiệp đại chúng chia sẻ.
Trên thế giới, ĐHCĐ trực tuyến đang ngày càng trở thành xu hướng được đông đảo doanh nghiệp trên toàn cầu đi theo và trở thành một thông lệ quản trị công ty tiên tiến.
Thông tin trên các phương tiện đại chúng cho thấy, tại Mỹ, Luật Công ty bang Delaware (sửa đổi năm 2000) cho phép các doanh nghiệp tổ chức ĐHCĐ bằng hình thức trực tiếp, kết hợp sử dụng internet trong biểu quyết, bầu cử trực tuyến và cho phép tổ chức ĐHCĐ trực tuyến toàn phần. Năm 2001, Inforte Corporation, công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn quản trị quan hệ khách hàng, chiến lược tại Mỹ đã trở thành công ty đầu tiên tổ chức họp ĐHCĐ trực tuyến ảo.
ĐHCĐ trực tuyến thịnh hành trên thế giới |
“Trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc bỏ phiếu điện tử đã và đang được xem là một hình thức bỏ phiếu ưu việt được nhiều doanh nghiệp tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới lựa chọn để lấy biểu quyết của cổ đông”, Shark Trần Anh Vương, Phó Chủ Tịch Hội Doanh Nhân Trẻ Việt Nam chia sẻ.
Thực tế cho thấy, hình thức tổ chức ĐHCĐ trực tuyến được xem là giải pháp hợp lý “gỡ khó” cho các doanh nghiệp trong mùa ĐHCĐ không chỉ năm nay mà còn về sau bởi nhiều lợi ích thiết thực. Ông Đoàn Đức Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bytesoft Việt Nam nhận định, ĐHCĐ trực tuyến sẽ tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho việc tổ chức ĐHCĐ. Điều này đặc biệt đúng với những doanh nghiệp lớn số lượng cổ đông lên đến hàng ngàn, hàng vạn người, việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến sẽ giúp các cổ đông nhỏ lẻ có điều kiện tham gia và thực hiện quyền cổ đông.
Quả vậy, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp than: “Đặt phòng họp tại khách sạn 5 sao chi phí không hề nhỏ, trong khi đó, thời điểm tháng 3,4 các doanh nghiệp đều liên tiếp ĐHCĐ nên nhiều khi chậm một chút là không đặt được địa điểm. Chuyển sang địa điểm kém sang hơn là cổ đông có ý kiến ngay. Đó là chưa kể, thuê được địa điểm, nhiều cổ đông nhỏ lẻ không đến nhìn hội trường vắng gần một nửa cũng xót tiền lắm. Biết rằng năm nào cũng vậy nhưng không dám thuê phòng họp nhỏ hơn”.
Doanh nghiệp kêu khổ còn cổ đông cho biết cũng chả sung sướng gì: “Tôi sống ở TP. Hồ Chí Minh, ĐHCĐ doanh nghiệp được tổ chức ở Hà Nội. Cổ tức mỗi năm có một chút thôi mà chi phí đi lại, ăn ở cho ít nhất 1 ngày cũng gần 10 triệu là khá tốn kém. Mặc dù rất muốn đến dự ĐHCĐ để được nêu ý kiến của cá nhân cũng như được tận tay bỏ phiếu nhưng để tiết kiệm chi phí, giải pháp là ở nhà rồi uỷ quyền cho người quen đến dự rồi đọc thông tin đại hội trên các phương tiện truyền thông”.
Bvote: Tiện ích, hiệu quả và tiết kiệm
Rõ ràng, ĐHCĐ trực tuyến cho thấy có thể tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các bên tham gia, đặc biệt là quyền lợi cho các cổ đông nhỏ lẻ; xóa bỏ trở ngại về vị trí địa lý, tiết kiệm chi phí tổ chức ĐHCĐ và chi phí đi lại cho cổ đông.
“Phòng chống đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ra thông báo yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người (cùng một chỗ) và đợi cho đến khi có thông báo mới nên việc họp ĐHCĐ trực tuyến là bảo vệ sức khoẻ cho tất cả các bên”, một cổ đông nhận định.
Bvote- Sản phẩm của Công ty cổ phần Bytesoft Việt Nam |
Được biết, Bvote (phần mềm hỗ trợ các doanh nghiệp đại chúng tổ chức ĐHCĐ trực tuyến - sản phẩm của Công ty cổ phần Bytesoft Việt Nam) là hệ thống tổ chức ĐHCĐ trực tuyến bao gồm nhiều công việc như đăng ký đại biểu trực tuyến, ủy quyền dự đại hội trực tuyến, luôn kiểm soát được số lượng đại biểu đăng ký dự đại hội, số cổ đông đang thực hiện biểu quyết. Bầu cử trực tuyến sẽ giúp hệ thống tự tính toán những phiếu bầu không hợp lệ hạn chế những sai sót của kiểm phiếu thủ công và báo cáo ngay được kết quả minh bạch, rõ ràng...
Đặc biệt, Bvote còn được xây dựng trên nền tảng Blockchain sẽ giúp đảm bảo dữ liệu khi được ghi nhận vào hệ thống sẽ không thể thay đổi, không thể sửa chữa, dữ liệu được minh bạch công khai cho nhà đầu tư. Giúp doanh nghiệp tối ưu hóa đặc biệt về mặt quản trị sẽ được nâng tầm khi ứng dụng công nghệ trong hoạt động. Bên cạnh đó Bvote hỗ trợ các nghiệp vụ kê khai công bố thông tin sau ĐHCĐ lên Uỷ ban Chứng khoán nhà nước giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức.
Hiện nay, do đặc thù quản trị nên việc tổ chức ĐHCĐ tại không ít doanh nghiệp sẽ có tâm lý ngại thay đổi, vẫn muốn duy trì hình thức bỏ phiếu truyền thống bởi nếu áp dụng hình thức bỏ phiếu trực tuyến, doanh nghiệp cũng cần phải sửa đổi điều lệ công ty cũng như các quy định hướng dẫn liên quan.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng, đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp sẵn sàng thay đổi trong cách thức hoạt động mà một trong những biểu hiện là ĐHCĐ trực tuyến. Đây là tiền đề cho doanh nghiệp không chỉ trong mùa ĐHCĐ năm nay mà còn các mùa sau để giúp các doanh nghiệp ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu chi phí”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Xu hướng thịnh hành - họp ĐHCĐ trực tuyến của thế giới sẽ là xu hướng thịnh hành của Việt Nam. Những lợi ích tích cực mà Bvote - Họp ĐHCĐ trực tuyến mang lại như: tiết kiệm, hiệu quả và bảo mật cao. Hơn nữa, với vai trò là đơn vị tiên phong và ứng dụng thành công 100% trong biểu quyết ĐHCĐ trực tuyến hứa hẹn mang lại trải nghiệm tuyệt vời cho doanh nghiệp chưa có cơ hội hợp tác với Công ty cổ phần Bytesoft Việt Nam.