Y tế - Sức khỏe
Bổ sung vitamin: Nên đủ, chớ thừa!
D.Ngân - 08/12/2022 19:58
Dù việc bổ sung các loại vitamin là cần thiết cho sức khỏe của trẻ nhưng việc bổ sung cần theo chỉ định bởi nếu thừa hậu quả sẽ khôn lường.

Thiếu vitamin A nhẹ làm giảm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (tiêu chảy) và nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm đường hô hấp).

Dù việc bổ sung các loại vitamin là cần thiết cho sức khỏe của trẻ nhưng việc bổ sung cần theo chỉ định bởi nếu thừa hậu quả sẽ khôn lường.

Bên cạnh đó, thiếu vitamin A nặng ngoài việc làm giàm sức đề kháng của cơ thể, trẻ kém phát triển còn gây nên các tổn thương ở mắt. Các tổn thương đó nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Do đó, trẻ có biểu hiện khô mắt do thiếu vitamin A cần phải được phát hiện và điều trị nhanh chóng, kịp thời. Ở Việt Nam, tình trạng thiếu vitamin A cận lâm sàng vẫn đang là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng đối với trẻ em dưới 5 tuổi. 

Sữa mẹ là nguồn vitamin A quan trọng của trẻ nhỏ. Trẻ không được bú mẹ có nguy cơ cao bị thiếu vitamin A. Tuy nhiên, nếu người mẹ nuôi con bú, nhất là trong 6 tháng đầu nếu bị thiếu vitamin A, làm cho hàm lượng vitamin A trong sữa mẹ sẽ bị thấp. 

Do đó, mặc dù trẻ được nuôi bằng sữa mẹ nhưng trẻ vẫn có nguy cơ thiếu vitamin A, ảnh hưởng không tốt tới quá trình lớn của bé.

Tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm virus đặc biệt là khi trẻ lên sởi, viêm đường hô hấp, tiêu chảy kéo dài là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu vitamin A. 

Do trẻ khi bị bệnh thì nhu cầu vitamin A tăng, trong khi đó khẩu phần ăn không đủ cung cấp, nên dễ dẫn đến thiếu hụt vitamin A.

Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng (đặc biệt là thể Kwashiokor) thường kèm theo thiếu vitamin A. Ngoài ra thiếu các vi chất khác như kẽm cũng ảnh hưởng tới chuyển hóa vitamin A trong cơ thể.

Cùng với vitamin A thì vitamin D cũng là vi chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Vitamin D có vai trò quan trọng giúp hạn chế tình trạng còi xương ở trẻ.

Trẻ còi xương do nhiều nguyên nhân trong đó có tình trạng thiếu hụt vitamin D. Đặc biệt tình trạng trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi bị còi xương khá phổ biến, chủ yếu ở trẻ dưới 2 tuổi.

Thống kê của Viện Dinh dưỡng cho biết, ở Việt Nam, có khoảng 20-40% trẻ em bị thiếu vitamin D, trong đó thiếu nặng 8,9%. Còn theo bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 10% trẻ em đến khám bị còi xương (35% trẻ dưới 3 tuổi). 

Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D ảnh hưởng khá nặng tới sức khỏe lâu dài và khiến xương chậm triển xương, vận động, di chứng phát triển xương, răng, là yếu tố góp phần gây chậm phát triển chiều cao.

Nguyên nhân khiến trẻ bị còi xương là do thiếu ánh sáng mặt trời, nhà ở chật chội, tập quán kiêng khem trẻ không được tắm nắng. 

Khi trẻ bị thiếu các loại vitamin, việc bổ sung là cần thiết. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ phải hết sức thận trọng, vì chúng cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn như bất kỳ thuốc chữa bệnh nào. 

Khi cơ thể bị thiếu vitamin và khoáng chất, trẻ sẽ chậm lớn, mắc một số bệnh, chẳng hạn, thiếu vitamin A có thể gây bệnh ở mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa; thiếu vitamin B1 dễ bị phù, viêm các dây thần kinh, suy tim;

Thiếu vitamin C dễ gây chảy máu dưới da và niêm mạc, làm giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn; 

Thiếu vitamin K dễ bị xuất huyết, đặc biệt xuất huyết não, màng não; thiếu vitamin D và canxi sẽ bị còi xương; thiếu kẽm dễ mắc các bệnh ngoài da; thiếu fluor dễ mắc bệnh răng miệng, thiếu sắt dẫn đến thiếu máu….

Các chế phẩm vitamin và vi chất dinh dưỡng đơn lẻ thường có hàm lượng rất cao, như vitamin B12 loại 5.000-10.000mcg (cao gấp 800-1.600% nhu cầu hằng ngày), vitamin C 1.000mg, nguyên tố kẽm 100mg (cao gấp 330-660% nhu cầu hằng ngày)... khi sử dụng cần tham khảo và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của thầy thuốc.

Các bậc phụ huynh khi sử dụng vitamin và chất khoáng dưới dạng phối hợp (đa vitamin, đa khoáng chất...) phải phân biệt rõ ràng công thức cho trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 4 tuổi.

Vitamin là những yếu tố luôn có sẵn trong thực phẩm (rau, quả, ngũ cốc, thịt, cá...), nên nếu sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng, không ăn kiêng, không rối loạn hấp thụ ở đường tiêu hóa thì không thiếu, không cần bổ sung.

Tuy nhiên, việc quảng cáo quá mức về thuốc bổ, vitamin và khoáng chất đang làm tình trạng lạm dụng thuốc lan tràn, phổ biến hơn, gây những tai biến khó lường do... thừa Vitamin và khoáng chất.

Thừa vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. 

Có trường hợp bổ sung vitamin D quá nhiều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh. Thừa canxi gây mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận, tăng huyết áp...xương cốt hóa sớm có thể bị thấp chiều cao. 

Thừa sắt dẫn đến gan nhiễm sắt, tim nhiễm sắt dẫn đến suy tim; Thừa kẽm dẫn đến biếng ăn, nôn, rối loạn tiêu hóa… Khi bổ sung vitamin và chất khoáng cho trẻ bằng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để tránh các biến chứng xấu do dùng quá liều. Điều này là vô cùng quan trọng. 

Chuyên gia cảnh báo, thiếu vitamin và khoáng chất đã không tốt cho sức khỏe, nhưng nếu thừa thì nguy hiểm không kém. 

Trong trường hợp trẻ phải dùng thuốc dài ngày, dùng liều cao hoặc dùng các chế phẩm có quá nhiều thành phần vitamin và chất khoáng trong một viên thuốc, cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa nhi.

Nên cho trẻ dùng dạng lỏng như dung dịch uống vì vừa dễ uống vừa dễ hấp thu. Sử dụng thuốc bổ sung vitamin không thay thế được thức ăn, mà vẫn phải ăn uống đầy đủ, cân bằng các nhóm thực phẩm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho hay, để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em Việt, các chuyên gia cho rằng, giai đoạn 1.000 ngày đầu đời kể từ khi người mẹ bắt đầu mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi là thời điểm vàng quyết định sự phát triển tối ưu về thể chất và trí tuệ của trẻ nếu có chế độ dinh dưỡng đầy đủ.

Các vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, iod, selen, đồng...). Những chất này có nhiều trong thức ăn có nguồn gốc động vật, thực vật rất phong phú và đa dạng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, rất nhiều bà mẹ do chưa hiểu biết đúng về vai trò cũng như là nhu cầu của vi chất dinh dưỡng nên đã cho trẻ uống bổ sung không đúng và nếu thừa cũng có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chiến lược phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng gồm các giải pháp đồng bộ như bổ sung vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng.

Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng một cách lâu dài và bền vững.

Tin liên quan
Tin khác