Trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó vì Covid-19 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, EVFTA càng có ý nghĩa khi mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng Việt vào EU. |
Bộ Công Thương đã có sự chuẩn bị cho việc EVFTA đi vào thực thi hiệu quả ngay khi có hiêu lực. Trọng tâm là cộng đồng doanh nghiệp, các cam kết hội nhập phải được các doanh nghiệp thụ hưởng và nỗ lực vươn lên, tiến tới cạnh tranh tốt hơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói.
Việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định EVFTA đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tư do với EU.
EVFTA được phê chuẩn cũng được kỳ vọng mở cánh cửa thị trường cho hàng Việt Nam gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh virus corona tác động đến nền kinh tế và về đích với mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương năm 2019.
“Kết quả này một lần nữa khẳng định, về cơ bản chúng ta đã qua được chặng đường khó khăn nhất và EU có cơ sở để tin tưởng Việt Nam vì những lợi ích mà 2 bên sẽ cùng đạt được trong cả 2 Hiệp định này, tuy nhiên, để đạt được những thỏa thuận như đã thống nhất của cả 2 bên, cần phải nỗ lực nhiều hơn", theo ông Trần Tuấn Anh.
Trong chương trình hành động của Bộ Công Thương cho việc cụ thể hóa EVFTA ngay khi hiệp định có hiệu lực, Bộ trưởng nhấn mạnh về yếu tố tốc độ triển khai các phần việc cần phải làm, khối lượng công việc rất lớn, các Bộ, ngành cần phải bắt tay hành động.
Nếu Quốc hội thông qua vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 thì EVFTA sẽ có hiệu lực có thể ngay đầu tháng 7, sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn.
Khi Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, nCovy xảy ra đã tác động lớn đến các ngành hàng xuất khẩu đặc biệt là nông sản. Nếu không thay đổi sản xuất, gia tăng chế biến, củng cố chuỗi cung ứng để đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch, thì hàng hóa còn khó khăn, dù ta đã có FTA với Liên minh châu Âu. Do đó, tái cơ cấu, thay đổi mô hình sản xuất để căn cơ, bền vững, thiết lập chuỗi giá trị, tăng chế biến sâu....là những điểm nhấn được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đặc biệt lưu ý.
Quan trọng vẫn phải là chất lượng hàng hóa, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất từ các nhà nhập khẩu dù đó là thị trường nào, đáp ứng được hàng rào kỹ thuật để không bị động trước mỗi rủi ro xảy ra.
Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD.
Do vậy, Hiệp định sẽ giúp Việt Namcó điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.
Những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ có được từ hiệp định này chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá, mở rộng hơn thị trường xuất khẩu cho hàng Việt. Điều này có ý nghĩa khi hiện chỉ 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).