Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chuẩn bị trả lời chất vấn. |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, sẽ quyết tâm cao nhất đưa kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 của Bộ Ngoại giao đi vào cuộc sống, mang lại kết quả cụ thể, tích cực và thực chất.
Theo chương trình phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều mai (18/3), Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ trực tiếp trả lời chất vấn về nhiều vấn đề, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại báo cáo phục vụ phiên chất vấn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực với phương châm "phòng ngừa, ngăn chặn là chính".
Nhiểu giải pháp đã được triển khai như kiện toàn Ban Chỉ đạo của Bộ Ngoại giao về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Bộ trưởng làm trưởng ban. Về phòng ngừa, Bộ Ngoại giao đã tăng cường phổ biến, quán triệt, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao tính gương mẫu và trách nhiệm của người đứng đầu và đảng viên.
Bộ quán triệt sâu sắc tinh thần phụng sự, lấy người dân, doanh nghiệp, địa phương làm trung tâm phục vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Đẩy mạnh bồi dưỡng đạo đức công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho công chức, viên chức, người lao động.
Giải pháp nữa là bộ này đã thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân; rà soát, cập nhật các quy chế, quy định, quy trình công tác, đặc biệt trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Theo Bộ trưởng, Bộ Ngoại giao đã xây dựng, ban hành hơn 70 quy chế, quy trình cấp bộ và hơn 100 quy chế, quy định, quy trình quản lý nội bộ tại các đơn vị thuộc bộ và cơ quan đại diện. Triển khai nghiêm túc công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, viên chức theo quy định.
Về phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thông tin, đã tăng cường theo dõi, nắm bắt dư luận, đặc biệt coi trọng vai trò, phản ánh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kịp thời báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý nghiêm minh.
Bên cạnh đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những khâu, lĩnh vực có rủi ro phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc có nhiều phản ánh của người dân để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, Bộ đã thực hiện nghiêm túc việc xác minh tài sản, thu nhập cá nhân.
Năm 2021, Bộ Ngoại giao đã hoàn thành kê khai tài sản, thu nhập lần đầu đối với 1.695 trường hợp có nghĩa vụ kê khai.
Từ năm 2022, tiến hành xác minh tài sản, thu nhập đối với đối tượng kê khai hàng năm do Bộ Ngoại giao quản lý. Đến nay, đã tiến hành xác minh đối với 26 trường hợp có nghĩa vụ kê khai hàng năm của năm 2022 và năm 2023; đang chuẩn bị tiến hành xác minh 13 trường hợp của năm 2024.
"Qua xác minh cho thấy, cơ bản các bản kê khai được kê khai đầy đủ, rõ ràng; nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm được giải trình cụ thể, chưa có trường hợp bị kiến nghị xử lý do vi phạm quy định. Đến nay, chưa ghi nhận có khiếu nại đối với các kết luận xác minh", Bộ trưởng thông tin.
Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ quyết tâm cao nhất đưa kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của Bộ Ngoại giao đi vào cuộc sống, mang lại kết quả cụ thể, tích cực và thực chất.
Tiếp tục xây dựng các quy chế, quy trình và hoàn thiện hệ thống này theo hướng công khai, minh bạch phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong tất cả các mặt công tác, đặc biệt những lĩnh vực được xác định là dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, phòng ngừa từ sớm, từ xa tham nhũng, tiêu cực, báo cáo nêu rõ.