Trước thực tế này, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19. Sáng 6/5, tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và các Thứ trưởng đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca.
Sáng 6/5, tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và các Thứ trưởng đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của AstraZeneca |
Sau tiêm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết sức khoẻ của ông hoàn toàn bình thường sau tiêm. Các Thứ trưởng Bộ Y tế gồm Đỗ Xuân Tuyên, Trương Quốc Cường, Trần Văn Thuấn, cùng nhiều lãnh đạo các vụ, cục sau khi tiêm vắc-xin sức khoẻ đều bình thường.
Tính đến chiều 5/5, Việt Nam đã tiêm cho 675.956 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất, đối tượng chống chỉ định tiêm chủng ở Việt Nam cũng mở rộng hơn so với các nước.
Các cơ sở tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Người đi tiêm vắc-xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm để theo dõi sức khoẻ. Người tiêm được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm.
Các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng, nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.
Về phản ứng sau tiêm chủng, theo người đứng đầu ngành Y tế, trong số 675.000 người được tiêm vắc-xin vừa qua, chỉ có hơn 16% phản ứng thông thường sau tiêm như đau mỏi cơ, mệt mỏi hoặc sốt.
Những triệu chứng này thường mất đi sau 24 tiếng đồng hồ. Có một số ca phản ứng nặng sau tiêm nhưng đã được các cơ quan y tế xử lý nhanh chóng.
Chia sẻ thêm về nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin, Bộ trưởng Y tế cho hay, sau 9 nhóm đối tượng ưu tiên ở Nghị quyết 21 của Chính phủ gồm những người ở tuyến đầu trong phòng chống dịch Covid-19, Bộ đề xuất bổ sung ưu tiên tiêm cho những người đi công tác nước ngoài, những học sinh có nhu cầu đi du học hay những người đi xuất khẩu lao động.
Trước việc nhiều nhân viên y tế vẫn mắc Covid-19 dù đã tiêm vắc-xin, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiệu quả của tiêm vắc-xin Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận là trên 50%, số còn lại tiêm xong vẫn có thể nhiễm bệnh. Song, nếu bị bệnh sau tiêm thì tỷ lệ phải nằm viện, bị phản ứng nặng, hậu quả nặng sẽ không xảy ra.
Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cũng cho hay cùng với tiêm vắc-xin, phải cùng với thực hiện 5K thì việc phòng chống dịch mới hiệu quả.
Theo một số chuyên gia y tế, vẫn tồn tại khả năng lây nhiễm sau tiêm vắc-xin Covid-19, tuy nhiên tỷ lệ này thấp. Việc tiêm vắc-xin nhằm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, giảm mức độ triệu chứng khi nhiễm, giảm tỷ lệ bệnh trở nặng và các ca tử vong.
Việc giảm biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong rất quan trọng, giúp giảm gánh nặng y tế. Vì vậy, lợi ích vắc-xin mang lại cao hơn so với nguy cơ biến chứng.