Bộ Công Thương sẽ triển khai mọi giải pháp nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các DN xuất khẩu. |
Đẩy nhanh thực thi gói hỗ trợ
Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 diễn ra sáng nay (10/4), Bộ trường Bộ Công Thương khẳng định: "Trong giai đoạn hiện nay, ngoài tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì phải tiếp tục khai thác cơ hội và tạo thuận lợi tối đa để các doanh nghiệp xuất khẩu, duy trì thị trường, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để sớm vượt qua khó khăn.
"Trước mắt, phải tập trung phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân, gỡ khó khăn ở 2 khía cạnh, đó là người lao động và các đối tượng đang gặp khó khăn trong xã hội. Hai là hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNNV trong các lĩnh vực, vì vậy, gói hỗ trợ về kinh tế mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành rất kịp thời và có ý nghĩa", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sẽ ý nghĩa hơn nếu chúng ta triển khai gói hỗ trợ này sớm, sẽ mang lại hiệu quả lớn, giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn để chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Công Thương, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã chủ động bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để nghiên cứu, đưa ra đề xuất và các giái pháp nhằm gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đơn cử như gói hỗ trợ về giá điện cũng là thể hiện tinh thần đó.
Bộ Công thương đã tính toán đề xuất phương án giảm giá điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện trong vòng 3 tháng (từ 1/4 - 1/7/2020). Ước tính số tiền được giảm này lên tới gần 11.000 tỷ đồng và hiện đã được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trên tinh thần đó, Bộ sẽ tổ chức thực hiện ngay việc giảm giá điện trong thời gian tới.
"Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cân đối tính toán các phương án khả thi để đảm bảo câu chuyện cắt giảm giá điện này sẽ không tác động mạnh đến hiệu quả hoạt động của EVN cũng như trong đảm bảo nguồn thu của Nhà nước", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:
Trong giai đoạn khó khăn về nguyên liệu, về thị trường và suy giảm đơn hàng như hiện nay, ngoài tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ quán triệt quan điểm tiếp tục khai thác cơ hội thị trường và tạo thuận lợi tối đa để các doanh nghiệp xuất khẩu, để vượt qua khó khăn, duy trì thị trường, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Với các thị trường đang ổn định thì chúng ta tiếp tục khai thác và phát huy, ví dụ như thị trường Trung Quốc, mặc dù có những khó khăn mới phát sinh, nhưng Bộ Công Thương cũng bám rất sát để cùng với Bộ NN&PTNT, các địa phương để thúc đẩy hoạt động thương mại nông sản để duy trì xuất khẩu", ông nói.
Đối với các thị trường vẫn đang duy trì được thì phải hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản và những ngành phụ trợ của chúng ta, đảm bảo không chỉ về doanh thu trong sản xuất mà còn giữ thị phần tại những thị trường này.
Trong thời gian tới, có một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải triển khai, trong đó, những thị trường lớn của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Asean… đều là những thị trường tiềm năng cho Việt Nam trong khôi phục lại xuất khẩu và phát triển trong hội nhập.
Do vậy, bên cạnh tháo gỡ khó khăn của thị trường Mỹ, còn liên quan đến một loạt các giải pháp lớn và Thủ tướng đang tập trung chỉ đạo. Liên quan đến thị trường EU, nhằm đảm bảo phê chuẩn và thực thi Hiệp định, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam phải thực hiện và phát huy tốt FTA này, đồng thời dự báo: Quý 3 và quý 4/2020 EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội với thị trường EU.
Với thị trường Trung Quốc, thị trường rất quan trọng với nhiều ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông thủy sản, Bộ Công Thương đang tập trung xử lý tồn đọng, một số địa phương cũng đang gặp khó khăn do mặt hàng nông thủy sản bị ách tắc đầu ra tại biên giới do Trung Quốc siết chặt cửa khẩu.
Do đó, Bộ Công Thương đã chủ động làm việc cùng Đại sứ quán Trung Quốc, và chính quyền các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam để tháo gỡ khó khăn. Phối hợp với Bộ NN&PTNT điều tiết hàng hóa đưa lên cửa khẩu, tránh ùn ứ, lãng phí hàng hóa nếu bị tồn đọng.
Đối với hoạt động của các doanh nghiệp, Lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận, khó khăn do Covid-19 mang lại cũng tạo thời cơ cơ cấu lại các ngành hàng, chuẩn bị cho việc đảm bảo tham gia các chuỗi cung ứng mới bển vững hơn, hiệu quả hơn.
Với thị trường trong nước cũng phải có những giải pháp hỗ trợ để tạo tâm lý ổn định, thúc đẩy cầu trong nước phát triển, khai thác cơ hội mới của thương mại điện tử, cũng như hình thức mới để kết nối cung cầu, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phục vụ tốt thị trường 100 triệu dân.