Viễn thông - Công nghệ
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Sẽ mạnh tay xử lý tin nhắn rác
Việt Hà - 20/04/2015 09:09
Gần đây, tình hình phát tán thông tin giả mạo, thông tin độc hại, vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biễn phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã có cuộc trao đổi, giải đáp những thắc mắc của người dân, trong đó nêu rõ những giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng tin nhắn rác, thông tin độc hại.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son


 Nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn thông tin độc hại

 Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết ở Việt Nam, công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng rộng rãi vào mọi mặt đời sống xã hội. Cho đến nay, Việt Nam đã có hơn 30 triệu người sử dụng Internet và trên 100 triệu thuê bao điện thoại di động. Trong đó, nhiều người sử dụng các trang mạng, đặc biệt là mạng xã hội để phục vụ nhu cầu thông tin trong đời sống hàng ngày.

Lợi dụng thực tế trên, một số đối tượng đã dùng mạng xã hội để phát tán thông tin độc hại, vi phạm pháp luật, trong đó có thể khái quát thành hai loại: Loại thứ nhất phát tán thông tin lừa đảo người sử dụng để thu lợi bất chính, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, vi phạm các quy định pháp luật. Loại thứ hai, phát tán thông tin sai sự thật, bịa đặt, mang ý đồ xấu, chống chế độ, phá hoại môi trường hòa bình, phương hại nền độc lập dân tộc, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng tới lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Trước thực tế là các trang mạng phát tán thông tin độc hại vẫn thu hút được một số lượng người đọc nhất định, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, để đấu tranh với vấn nạn này thì tiếng nói từ những nguồn thông tin chính thống rất quan trọng. Truyền thông chính thức thời gian qua đã giải thích để người dân hiểu và cùng chung sức đấu tranh, quay lưng lại với thông tin độc hại.

Với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc thực thi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, trong đó đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với việc đăng tải, sử dụng thông tin trên mạng, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thiết lập trang thông tin điện tử và chủ mạng xã hội. Bộ đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản quy phạm cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn.

Trong chương trình xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật năm 2015, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Luật An toàn thông tin, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác đảm bảo an toàn thông tin, qua đó góp phần bảo vệ người sử dụng trước các nguy cơ trên mạng nói chung.

“Mạnh tay” xử lý tin nhắn rác

Để ngăn chặn tin nhắn rác, thư rác, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các quy định về chống thư rác tại Nghị định 90/2008/NĐ-CP, bổ sung tại Nghị định 77/2012/NĐ-CP và đang tích cực hoàn thiện các văn bản hướng dẫn.

Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Chỉ thị 82/CT-BTTT ngày 24/12/2014 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Nhiều biện pháp xử lý quyết liệt đã được triển khai như tăng cường quản lý Sim trả trước, quản lý chặt chẽ dịch vụ nội dung, chỉ đạo doanh nghiệp di động xây dựng các hệ thống kỹ thuật ngăn chặn tin nhắn rác, tăng cường thanh kiểm tra và xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm.

Thống kê cho thấy lượng phản ánh tin nhắn rác trung bình giảm qua hai năm, riêng năm 2014 giảm 4,4% so với năm 2013.

Trong dịp Tết Ất Mùi 2015, so với Tết Giáp Ngọ 2014, lượng tin nhắn rác giảm 53%, riêng tin nhắn lừa đảo loại hình dịch vụ nội dung đã giảm 42%.

Nhưng những ngày gần đây, tin nhắn rác đang có xu hướng bùng phát trở lại, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã ngăn chặn 256.000 thuê bao di động trả trước được xác định phát tán tin nhắn rác, đã bị các nhà mạng chặn một và hai chiều. Riêng nhà mạng Vinaphone đã tạm ngừng cung cấp dịch vụ đối với 12 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung giá cao có vi phạm các quy định liên quan trong mảng kinh doanh này. Như vậy, có thể thấy, việc quản lý, ngăn chặn tin nhắn rác hoàn toàn có thể làm được.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang tiếp tục nghiên cứu, ban hành các quy định mới, hướng dẫn và giám sát, xử lý chặt chẽ hơn đối với dịch vụ OTT (dịch vụ thoại/nhắn tin trên nền Internet).

Đối với người dân, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị người sử dụng mạng viễn thông hợp tác và phản ánh tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo về cơ quan chức năng bằng cách, khi nhận được tin nhắn rác, người dân chuyển tiếp tin nhắn đó về đầu số 456 miễn phí của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc phản ánh của các thuê bao chính là thước đo mức độ bức xúc của xã hội đối với tin nhắn rác và cung cấp cơ sở quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất chính sách quản lý phù hợp cũng như thực hiện thanh tra, xử lý các nhà mạng và các đối tượng vi phạm về tin nhắn rác.

Với các nhà mạng, hiện có Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin. Thời gian qua, biện pháp xử lý của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với các nhà mạng chủ yếu là nhắc nhở, khiển trách. Song thời gian tới, nếu các nhà mạng không quyết liệt xử lý tin nhắn rác, tin nhắn độc hại, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ áp dụng các biện pháp xử lý mạnh.

Bộ trưởng hy vọng để duy trì uy tín và thương hiệu đã tạo dựng được, các nhà mạng sẽ thực hiện nghiêm quy định về quản lý tin nhắn rác, không vì lợi ích trước mắt mà ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Đề cập đến vai trò của báo chí trong đấu tranh với thông tin xấu, độc hại, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng thời gian qua báo chí đã làm tốt nhiệm vụ của mình trong đấu tranh phản bác các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.

Gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của thông tin điện tử như mạng xã hội, thông tin xấu độc hại lan truyền rất nhanh, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Do vậy, việc đưa thông tin chính thống, thông tin phản bác phải được thực hiện kịp thời, đầy đủ.

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã tham gia mạng xã hội; đây phải là lực lượng xung kích, chủ lực trong đấu tranh ngăn chặn thông tin độc hại trên mạng, vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Tin liên quan
Tin khác