Giá vàng đang cao kỷ lục, nhưng các chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng khi đầu tư vào kim loại quý này. Ảnh: Đức Thanh |
Lãi suất hạ, vàng lập đỉnh mọi thời đại
Ngay đầu tháng 4/2024, Vietcombank công bố hạ thêm lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng của nhà băng này chỉ còn 1,6%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 4,6%/năm.
Nhiều ngân hàng khác cũng hạ lãi suất. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục.
Với mức lãi suất thấp, gửi tiết kiệm ngân hàng trở thành kênh đầu tư kém hấp dẫn nhất hiện nay. Trong khi đó, giá vàng phiên mở đầu tháng 4 vọt lên mức 2.256 USD/ounce, cao nhất lịch sử và tăng hơn 9,1% so với đầu năm. Trong nước, vàng miếng SJC bán ra đầu tuần này ở mức 81 triệu đồng/lượng, tăng 11% so với đầu năm. Giá vàng nhẫn tăng mạnh hơn (tăng 12,5% so với đầu năm) do nhà đầu tư lo ngại vàng miếng có biến động về giá nếu có sự thay đổi chính sách.
Giá vàng thế giới tăng mạnh sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ giảm nhẹ trong tháng 2/2024, dẫn tới kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Việc Fed cắt giảm lãi suất sẽ khiến USD yếu đi, làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng.
Ngoài việc Fed sắp xoay trục chính sách, làn sóng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương cũng là nguyên nhân đẩy giá vàng lên cao. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cho hay, năm 2023, các ngân hàng trung ương đã mua 1.037 tấn vàng, kéo dài chuỗi mua ròng 14 năm liên tiếp.
“Chúng tôi cho rằng, năm 2024, khối ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng do chính sách tiền tệ có xu hướng nới lỏng ở các quốc gia. Đây là yếu tố thúc đẩy giá vàng thời gian tới”, ông Shaokai Fan nhận định.
Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng cho rằng, năm 2024, ít có khả năng vàng giảm giá. So với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Dù vậy, nhà đầu tư chỉ nên mua vàng trong những phiên điều chỉnh với tỷ lệ nhất định và phải luôn theo dõi sát sao động thái chính sách.
“Xu hướng giá vàng năm 2024 chủ đạo là tăng. Tuy nhiên, nếu có sự điều chỉnh chính sách theo hướng không độc quyền vàng và cho nhập khẩu vàng nguyên liệu về sản xuất vàng miếng, chênh lệch giá vàng sẽ giảm, từ đó kéo giảm giá vàng”, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích.
Chứng khoán, bất động sản hút dòng tiền trở lại
Cùng với giá vàng, chứng khoán cũng có sự hồi phục ấn tượng. Tính từ đầu năm đến nay, Chỉ số VN-Index tăng 13,2% (tính tới phiên đầu tháng 4/2024).
Ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment cho rằng, thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn tốt, dù kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn. Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế tạo điều kiện để chứng khoán phát triển. Lãi suất thấp lịch sử, VN-Index đang ở vùng định giá khá thấp, các thị trường chứng khoán thế giới đều vượt đỉnh… là cơ hội cho VN-Index quay lại đỉnh cũ.
"Xu hướng chính của thị trường năm 2024 vẫn là đi lên, song trong quá trình đi từ đáy không thể nào tránh được các nhịp điều chỉnh. Thị trường sẽ có khoảng 5 - 6 nhịp điều chỉnh lớn trong năm nay", ông Trung nói.
Dù khối ngoại đang bán ròng, song các chuyên gia tin tưởng, nếu được nâng hạng, khả năng dòng vốn ngoại quay trở lại sẽ rất lớn. Về cơ bản, các chuyên gia phân tích đều nhận định lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán, thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ vượt đỉnh vào năm 2025. Tuy nhiên, chứng khoán không phải là kênh đầu tư phù hợp với số đông.
“Nhà đầu tư cần biết rõ khẩu vị rủi ro của mình, sử dụng đòn bẩy hợp lý, hạn chế tâm lý đám đông và sử dụng dịch vụ chuyên môn của các trung gian tài chính nếu không thực sự am hiểu về kênh đầu tư này”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến cáo.
Riêng với kênh đầu tư bất động sản, những dấu hiệu hồi phục đã xuất hiện từ cuối năm 2023. Đặc biệt, phân khúc căn hộ chung cư tăng giá rất mạnh và nhiều dự án đang có dấu hiệu “ngáo giá” trong bối cảnh nguồn cung tiếp tục khan hiếm.
Theo ông Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi tốt hơn rất nhiều so với thị trường bất động sản Trung Quốc. Nguyên nhân là thị trường bất động sản của Việt Nam trong tình trạng dư cầu, trong khi thị trường bất động sản Trung Quốc lại là tình trạng dư cung. Dù vậy, để thị trường hồi phục, theo chuyên gia này, bất động sản phải giám giá chứ không phải tăng giá như vũ bão thời gian gần đây. Dĩ nhiên, để làm được điều này, cần có các giải pháp gỡ khó về vốn, đất đai, pháp lý.
Năm 2023, nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội giảm 31%, tại TP.HCM giảm 50%, đây là nguyên nhân khiến căn hộ chung cư bị thổi giá. Với các động thái gỡ khó và nỗ lực thúc đẩy nhà ở xã hội của Chính phủ, giới chuyên gia kỳ vọng, thời gian tới sẽ có thêm hàng loạt dự án nhà ở được cấp phép, do đó khuyến cáo người dân có nhu cầu ở thật nên chờ đợi thêm, thay vì mua chung cư ở thời điểm sốt giá như hiện nay.
Thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu sôi động ở một số khu vực, nhiều dự án lớn sau thời gian dài chờ đợi đã bắt đầu bán hàng. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của nền kinh tế hiện nay vẫn nằm ở thị trường bất động sản, dù Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng và tín dụng giảm cũng là những thách thức lớn.