Theo văn bản của Bộ Xây dựng, căn cứ theo phản ánh, tại một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội (như dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm; dự án nhà ở xã hội tại địa chỉ 282 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân…) có hiện tượng các cá nhân môi giới, sàn giao dịch bất động sản thực hiện môi giới mua bán nhà ở xã hội và thu tiền chênh lệch trái quy định.
Ảnh minh họa (Internet) |
Cụ thể, chi phí hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ và cam kết sẽ được mua nhà ở xã hội là hàng chục triệu đồng; chi phí để khách hàng mua được căn góc, vị trí đẹp chênh so với giá bán gốc hàng trăm triệu đồng. Đối với trường hợp mua lại nhà ở xã hội sẽ phải trả tiền chênh khoảng 4 - 6 triệu/m2, tương đương mỗi căn hộ chênh lệch so với giá gốc khoảng 400 triệu đồng.
Theo Bộ này, các hành vi nêu trên là trái với các quy định hiện hành về đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục mua bán nhà ở xã hội... được quy định cụ thể trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thông tư số 21/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Do vậy, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng địa phương tổ chức kiểm tra hoạt động giao dịch, mua bán nhà ở xã hội tại các dự án trên địa bàn để chấn chỉnh các hiện tượng, hoạt động nêu trên đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật (nếu có) theo thẩm quyền. Sau đó, UBND TP. Hà Nội báo cáo kết quả kiểm tra, biện pháp chấn chỉnh và xử lý vi phạm về Bộ Xây dựng trước ngày 30/4/2019.
Tại Hà Nội, theo Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội năm 2015 và các năm tiếp theo (2016 - 2020) do UBND Thành phố phê duyệt, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành đầu tư xây dựng hơn 6,3 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cộng 6 dự án đã hoàn thành, 43 dự án đang triển khai và 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội của 58 dự án nhà ở thương mại, dự kiến hoàn thành từ nay đến năm 2020, Hà Nội vẫn còn thiếu hơn 2,1 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội.
Để giải quyết những khó khăn, UBND TP. Hà Nội cũng đã có báo cáo, kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp đặc thù: Nghiên cứu bổ sung quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch đô thị; triển khai 5 khu đô thị nhà ở xã hội tập trung tại 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Thường Tín (đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc).
Bên cạnh đó, Thành phố rà soát toàn bộ quỹ đất 20% trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, kiên quyết thu hồi, hoặc dừng các dự án chậm triển khai để đề xuất vị trí quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo.