Bộ Xây dựng sẽ bán khớp lệnh trên thị trường gần 80,6 triệu cổ phiếu, tương đương 17,97% vốn. Nếu thoái hết, Nhà nước chỉ còn nắm giữ đúng 36% vốn VGC, tương ứng 161,4 triệu cổ phiếu. |
Bộ Xây dựng vừa thông báo thực hiện thoái vốn tại Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã VGC) xuống 36% trong thời gian từ 27/6 đến 21/7.
Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ bán khớp lệnh trên thị trường gần 80,6 triệu cổ phiếu, tương đương 17,97% vốn. Nếu thoái hết, Nhà nước chỉ còn nắm giữ đúng 36% vốn VGC, tương ứng 161,4 triệu cổ phiếu.
Theo thông báo trước đó, Bộ Xây dựng sẽ thoái vốn tại Viglacera với giá tối thiểu 26.100 đồng/cổ phiếu và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân của 30 ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin. Thế nhưng trong một tháng qua, VGC chỉ dao động từ 22.000 - 24.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán một tháng qua, cổ phiếu VGC giao dịch trong vùng giá 21.400 - 25.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn so với mức giá tối thiểu mà Bộ Xây dựng sẽ thoái.
Theo kế hoạch, ngày 29/6 tới, VGC sẽ tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Một nội dung đáng chú ý trong cuộc họp lần này là tổng công ty sẽ chuyển niêm yết cổ phiếu từ HNX sang Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), các thủ tục kỳ vọng hoàn tất trong quý IV/2018.
Tổng công ty Viglacera là một doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng với những sản phẩm chính như kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch ceramic và granite…
Quý I/2018, Viglacera đạt doanh thu 1.637 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 144,3 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ là 86,4 tỷ đồng.
Trong quý II/2018, Viglacera phấn đấu lợi nhuận tăng 92% so với thực hiện quý I. Riêng đối với Công ty mẹ, chỉ tiêu lợi nhuận quý II phấn đấu tăng 120% so với quý I.
Năm 2018, Tổng công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 9.100 tỷ đồng, bằng 99% thực hiện năm 2017; lợi nhuận trước thuế 950 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2017, trong đó, lợi nhuận thuộc về Công ty mẹ 600 tỷ đồng, tăng 6%.
Theo ban lãnh đạo VGC, Tổng công ty sẽ tập trung đầu tư các dự án vật liệu xây dựng và bất động sản theo đúng tiến độ đã đề ra; quản lý vận hành sản xuất ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.