| ||
Bộ Xây dựng tái khẳng định quyết tâm đưa gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đi đúng hướng tinh thần Nghị quyết 02/NQ - CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ |
Trước những lo ngại về sự “chệch hướng” của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Chánh Văn phòng đồng thời là người phát ngôn Bộ Xây dựng - ông Đỗ Đức Duy vừa cho biết, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành liên đã đề xuất Chính phủ thông qua gói kích cầu 30 nghìn tỷ đồng giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân nghèo, thu nhập thấp khó khăn về nhà ở.
Theo đó, trong gói 30 nghìn tỷ đồng, dành khoảng 30% cho các chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội (NƠXH). Còn lại, phần lớn gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng (70%) dành để cho người dân vay mua NƠXH với thời hạn 10 năm, hưởng mức lãi suất thấp là 6%/năm hoặc thấp hơn.
Riêng Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã công bố gói tín dụng lãi suất thấp cho người dân vay với thời hạn tới 15 năm, trong đó 10 năm đầu áp dụng lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết 02, 5 năm sau áp dụng lãi suất thỏa thuận với ngân hàng với điều kiện không vượt quá 6%/năm.
| ||
Ông Đỗ Đức Duy (bên trái) - Chánh văn phòng Bộ Xây dựng được bổ nhiệm ngày 2/1/2012, thay cho ông Lê Anh Dũng về làm Tổng giám đốc Licogi |
Ông Duy cho biết, sau khi rà soát và thẩm định hồ sơ các dự án đã được các địa phương và doanh nghiệp đăng ký, Bộ Xây dựng hiện đã đề xuất danh mục đợt đầu gồm 30 dự án xây dựng NƠXH và dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang NƠXH để Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần xem xét, cho vay vốn từ gói 30 nghìn tỷ. Trong số đó, có 15 dự án đầu tư xây dựng NƠXH đã đăng ký vay vốn đầu tư trước khi Chính phủ ban hành Nghị Quyết 02 (ngày 7/1/2013); 12 dự án đăng ký vay vốn sau khi ban hành NQ 02 và 3 dự án chuyển đổi công năng sang NƠXH.
Đáng chú ý, trong danh sách các dự án được Bộ xây dựng đề xuất vay vốn đợt đầu chỉ có 4 dự án của doanh nghiệp Nhà nước, còn lại là các dự án của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần không có vốn Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước nhưng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối. Trong 30 dự án được đề xuất trong danh sách đợt đầu thì có 11 dự án khu vực phía Bắc, 9 dự án khu vực miền Nam và 10 dự án khu vực miền Trung
Đến thời điểm này, Hải Phòng có 2 dự án đã được vay từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ là dự án khu chung cư An Đồng của Công ty PG và dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp Bắc Sơn của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển đầu tư Hải Phòng (CDI). ông Nguyễn Ngọc Thành - Tổng Giám đốc CDI cho biết, có 10 khách hàng của công ty đã làm thủ tục vay vốn ưu đãi, trong đó ngân hàng đã thẩm định 2 hồ sơ và sẽ giải ngân trong thời gian tới.
Theo ông Thành, đây là lần đầu tiên các hộ gia đình được hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi để mua nhà. Họ yên tâm, tin tưởng và thấy các chính sách đang thực sự hướng đến người dân nghèo. Nếu khách hàng hấp thụ hết gói hỗ trợ này, thị trường bất động sản sẽ ấm lên, tạo ra việc làm mới và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm VLXD như sắt, thép, xi măng… Lợi ích tương tự cũng đến với doanh nghiệp, gói hỗ trợ không những giúp doanh nghiệp bán được sản phẩm mà còn giúp họ tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp để thực hiện các dự án tiếp theo.
Ngày 3/7 vừa qua, Ngân hàng BIDV cũng đã xác nhận cho vay từ gói tín dụng ưu đãi đối với 2 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland, số tiền vay là 117,7 tỷ đồng để đầu tư dự án xây dựng NƠXH tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân với số tiền 540 tỷ đồng để đầu tư dự án chuyển đổi công năng sang NƠXH tại thành phố Hồ Chí Minh. "Các công ty trên đều là các doanh nghiệp không có vốn Nhà nước. Các dự án khác đang được các ngân hàng khẩn trương thẩm định để quyết định cho vay", đại diện Bộ Xây dựng khẳng định.
Ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng đang tích cực chuẩn bị vì đây là chính sách hướng tới rất đông người dân, hỗ trợ lãi suất thấp nên nhiều người quan tâm, do đó, cần thông tin minh bạch, rõ ràng. Dự kiến chương trình sẽ giải ngân trong 3 năm nên trong giai đoạn đầu người dân nên tìm hiểu kỹ, chuẩn bị hồ sơ, lựa chọn ngân hàng để làm thủ tục xin vay…
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ là một chương trình dài hạn, hướng tới số đông người dân có thu nhập thấp, trung bình và có nhu cầu thực về nhà ở. Nếu nhìn vào nhu cầu NƠXH, so sánh với gói 30.000 tỷ thì rõ ràng gói hỗ trợ tín dụng là nhỏ. Tuy nhiên, sức lan tỏa của gói hỗ trợ sẽ không chỉ dừng lại ở 30.000 tỷ.
Cụ thể, trong điều kiện hiện tại, khoảng 30% sẽ được cho chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án NƠXH vốn đã, đang thực hiện, nhưng thiếu nguồn lực; phần lớn nguồn lực gói 30.000 tỷ đồng còn lại để cho người dân vay thời hạn 10 năm hưởng lãi suất thấp (6% hoặc thấp hơn) nếu có điều chỉnh. Vốn cho vay doanh nghiệp và người dân sẽ là vốn mồi để hấp dẫn các nguồn lực đối ứng của doanh nghiệp, hay đang tiềm ẩn của người dân. Ngoài 5 ngân hàng tham gia vào gói hỗ trợ, các ngân hàng thương mại cũng phải cạnh tranh, hạ lãi xuất, các doanh nghiệp xây lắp, sản xuất vật liệu xây dựng cũng sẽ ứng vốn và hàng hóa vào các dự án.
Hà Quang