Tài chính - Chứng khoán
Bóc chiêu làm đẹp báo cáo tài chính
Hoàng Lương - 13/05/2014 07:40
Phớt lờ nợ xấu, làm đẹp báo cáo bằng giao dịch có cam kết hoàn lại, hay sử dụng công ty liên kết để được ghi nhận một khoản lợi nhuận trong một giai đoạn nhất định là những chiêu thức DN thường làm khi muốn làm đẹp báo cáo tài chính. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp “khắc nhập - khắc xuất” không phải vì lý do này như thương vụ HVG-SSI.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Mía đường Nhiệt điện Gia Lai tăng tồn kho 5 lần
Chỉ tiêu thấp, PGS đã đạt 40% kế hoạch lợi nhuận 2014
Kiểm toán lưu ý Vietinbank "nghĩa vụ tiềm ẩn" vụ Huyền Như
Lợi nhuận Vinaconex giảm mạnh sau kiểm toán của Deloitte
Sudico bất ngờ báo lãi

Phớt lờ nợ xấu

Giữa tuần qua, ĐTCK nhận được phản hồi bức xúc của một giám đốc tài chính DN niêm yết ngành dược về việc ban lãnh đạo DN này hiện thời đã cố tình hạch toán không chính xác thực trạng kinh doanh của DN.

Theo phản ánh của vị này, dù DN trên được kiểm toán bởi một công ty thuộc nhóm Big 4, nhưng với cam kết chịu trách nhiệm của ban lãnh đạo Công ty, một loạt khoản nợ thực chất là nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi đã được… phớt lờ, dẫn tới lợi nhuận của DN được hạch toán là con số dương đẹp đẽ, trong khi, bản chất là DN lỗ. Vị giám đốc tài chính này cho hay, ông và người cộng sự khác đang chuẩn bị xin nghỉ việc vì không muốn tham gia vào việc làm sai trái trên.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc làm sao bóc tách được các khoản nợ xấu trên BCTC, vị này cho biết, những khoản nợ xấu đa số chỉ nội bộ mới biết. Kiểm toán cũng biết, vì không có xác nhận nợ, nhưng vẫn cho qua vì có… cam kết.

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, nhiều DN đang sử dụng “cam kết” của ban lãnh đạo về tính trung thực của các hạch toán tài sản như là một chiêu để làm đẹp BCTC. Nhiều khoản đầu tư, khoản phải thu, khoản nợ khó đòi đã không được trích lập dự phòng đầy đủ dẫn đến sai lệch lợi nhuận, nhưng kiểm toán cho qua nhờ cam kết trách nhiệm và không có lưu ý đi kèm.

Làm đẹp bằng giao dịch có cam kết hoàn lại

Một chiêu được nhiều DN làm, nhất là đối với các đơn vị có khoản đầu tư tài chính, là các hợp đồng giao dịch có cam kết mua lại. Theo đó, một giao dịch được thực hiện trước khi kết thúc năm tài chính với một điều khoản cho phép mua lại/phải mua được nhiều DN áp dụng nhằm tránh phải hạch toán trích lập dự phòng khoản đầu tư, hoặc ghi nhận lãi trong kỳ.

Trong các trường hợp này, kiểm toán thường dễ dàng phát hiện ra sự việc, nhưng DN cũng dễ dàng vượt qua bằng một cam kết chịu trách nhiệm. Và chiêu này cũng chỉ áp dụng 1 lần cho 1 loại tài sản, nhưng đây vẫn là cách làm được một lượng không nhỏ các DN có đầu tư tài chính áp dụng.

Làm đẹp từ công ty liên kết

Năm 2013, CTCP Đầu tư Châu Á -Thái Bình Dương (mã API) đã thành công mỹ mãn (ở góc độ BCTC kỳ) khi đầu tư trên 20% vào CTCP Đầu tư Tài chính Quốc tế và Phát triển Doanh nghiệp IDJ. Với khoản đầu tư này, API hạch toán được khoản lợi nhuận hơn 34 tỷ đồng vào kết quả kinh doanh trong kỳ, do chênh lệch giá mua và giá trị sổ sách của lượng cổ phiếu tại thời điểm chuyển thành công ty liên kết.

Tuy nhiên, lợi nhuận từ khoản đầu tư của API đến thời điểm hiện nay, tức là sau quý I/2014 đã trở nên… có vấn đề. Giá cổ phiếu IDJ giảm thấp hơn giá mua bình quân của API, thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách. Và đặc biệt, quý I/2014, IDJ bị lỗ nhẹ.

Câu chuyện của API khiến nhiều người liên tưởng đến khoản đầu tư của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vào cổ phiếu HVG.

Ngày 30/9/2011, BCTC của SSI thể hiện SSI có trên 165,3 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn và 132,2 tỷ đồng đầu tư dài hạn vào HVG (tính theo giá gốc), với tổng mức trích lập dự phòng trên 121 tỷ đồng. Điều này tương đương với việc giá mua bình quân khoản đầu tư ngắn hạn vào HVG của SSI vượt hơn 80% thị giá, khoản đầu tư dài hạn vượt hơn 57% thị giá.

Với mức giá đóng cửa ngày 30/9/2011 là 20.000 đồng/CP, mức giá mua bình quân của SSI với HVG khoảng hơn 36.000 đồng/CP đối với khoản đầu tư ngắn hạn, khoảng trên 31.000 đồng/CP đối với đầu tư dài hạn. Cuối năm 2011, giá HVG gần như không đổi, trong khi giá trị sổ sách của cổ phiếu này khoảng 31.000 đồng/CP. Điều này dẫn tới việc, cuối năm 2011, khi HVG trở thành công ty liên kết của SSI, Công ty đã hoàn nhập một khoản không nhỏ từ khoản đầu tư này.

Đến năm 2013, khi HVG ghi nhận lỗ nhẹ quý IV và thị giá đã vượt xa giá trị sổ sách của cổ phiếu, SSI bán một phần cổ phiếu HVG và chuyển HVG từ công ty liên kết sang đối tượng đầu tư tài chính. Phải chăng, HVG hết vai trò làm đẹp BCTC cho SSI?

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc tài chính SSI cho biết, hoạt động đầu tư của Công ty được triển khai theo chiến lược dài hạn, vì hiệu quả và sự tăng trưởng bền vững cho SSI. Làm đẹp BCTC, vì thế, không phải là mục tiêu định hướng trong các hoạt động đầu tư của SSI. Các giao dịch thực hiện tại những thời điểm cụ thể chỉ bởi tại thời điểm đó, SSI đạt được hiệu quả kỳ vọng. Riêng với HVG, bà Hà cho biết, lý do quan trọng dẫn tới quyết định SSI hết liên kết với công ty này là đặc thù HVG có nhiều công ty con, nên BCTC của HVG thường chậm (HVG vừa có công văn giải trình với HOSE việc chậm công bố BCTN 2013 do BCTC 2013 bị chậm trễ - PV). Khi HVG không công bố báo cáo đúng hạn, SSI cũng không thể công bố báo cáo hợp nhất đúng hạn quy định. Theo đó, SSI quyết định giảm tỷ lệ sở hữu để “hết liên kết” với HVG, nhằm giảm thiểu thời gian thực hiện BCTC hợp nhất phụ thuộc vào BCTC của DN này, tuy nhiên SSI và SSIAM hiện vẫn sở hữu gần 15% vốn tại đây.  

Danh tính các dự án sẽ bị Kiểm toán soi năm 2014

(Baodautu) Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kế hoạch kiểm toán năm 2014 trong các lĩnh vực ngân sách nhà nước; chuyên đề; báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2013... 2014: Tập trung kiểm toán sở hữu chéo ngân hàng Xem lại vì sao kiểm toán không phát hiện sai phạm tại EVN  Vời kiểm toán cứu dự án trọng điểm nửa tỷ USD

Tin liên quan
Tin khác