Đầu tư
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ muốn Thường vụ Quốc hội điều chỉnh nghị quyết về đầu tư BOT
An Nguyên - 09/01/2021 14:02
Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ muốn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết 437 để mở rộng quy mô tuyến này lên 8 đến 10 làn xe theo hình thức BOT.

Dù đã giảm so với năm 2019, song năm 2020, lưu lượng xe ngày cao nhất  trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng lên tới 122.780 xe/ngày đêm.

Với lý do tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã mãn tải quá sớm so với thiết kế và phương án tài chính, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ muốn được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh nghị quyết 437 để mở rộng quy mô tuyến này lên 8 đến 10 làn xe theo hình thức BOT.

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT có chiều dài khoảng 29km, quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng, bắt đầu thu phí từ 6/10/2015.

Trong một báo cáo hoàn thành cuối tháng 12/2020, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, doanh thu các năm từ 2015 đến 2020 (làm tròn số) lần lượt là 104,5 - 616,9 - 755,5 - 702,8- 751,9 - 721,8 tỷ đồng. Trong năm 2019 doanh thu bình quân 62,95 tỷ/tháng, lưu lượng xe bình quân 61.267 xe/ngày đêm, lưu lượng xe ngày cao nhất 126.744 xe/ngày đêm. Năm 2020 lưu lượng và doanh thu giảm 4% so với 2019 do ảnh hưởng của Covid - 19, doanh thu bình quân 59,36 tỷ/tháng, lưu lượng xe bình quân 60.000 xe/ngày đêm, lưu lượng xe ngày cao nhất 122.780 xe/ngày đêm.

Báo cáo nêu khó khăn là dù đã mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe lưu thông nhưng vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc, đặc biệt trong các ngày lễ, tết do lưu lượng xe tăng nhanh và đột biến trong những năm gần đây. Tuyến đường đã xảy ra mãn tải quá sớm so với thiết kế và phương án tài chính. Dự báo thời diểm mãn tải cao tốc 6 làn xe vào năm 2022, tương đương phục vụ loại D, lưu lượng mãn tải khoảng 92.200 PCU (xe con quy đổi). Thực tế năm 2019 đã đạt 84.240 PCU ngày/đêm, ngày lễ tết đã đạt 144.265 CPU/ngày đêm, dự kiến ngay năm 2021 sẽ đạt bình quân 101.088 PCU ngày đêm, vượt so với mãn tải là 9,6%. Năm 2021 dự kiến tăng trưởng xe so với năm 2019 là 20%, năm 2022 dự kiến tăng so với năm 2021 là 10%.

Theo báo cáo thì việc nâng cấp mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên 8-10 làn xe là cần thiết và có nhiều thuận lợi (tuyến đang khai thác với doanh thu khả thi về phương án tài chính, thuận lợi kế thừa năng lực, bộ máy am hiểu dự án cho công tác chuyên môn và tiến độ thực hiện dự án vừa thi công vừa khai thác. Tuy nhiên, việc bổ sung hạng mục này vào dự án chưa phù hợp với nghị quyết 437/NQQ-UBTVQH 14.

Nghị quyết này được ban hành năm 2017, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát “Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”.

Nghị quyết nêu rõ: Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hop đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu.

Mà, việc nâng cấp cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ lên 8-10 làn xe đồng nghĩa với tiếp tục đầu tư BOT trên đường hiện hữu.

Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề nghị Uỷ ban Kinh tế Quốc hội (cơ quan vừa tổ chức giám sát dự án) báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung các nội dung nghị quyết 437 để bổ sung mở rộng quy mô cao tốc Pháp Vân - Cầu  Giẽ từ 6 làn xe hiện có lên 8 - 10 làn vào dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác