Doanh nghiệp
BP rời khỏi Nhà máy điện Phú Mỹ 3
Thanh Hương - 24/12/2014 07:58
Công ty Dầu khí BP (Anh) có thể sẽ sớm rời khỏi Nhà máy điện Phú Mỹ 3 sau khi kế hoạch chuyển giao phần góp vốn cho Tập đoàn SembCorp (Singapore) được chấp thuận.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Công bố vị trí Nhà máy nhiệt điện Sembcorp Dung Quất
Cổ phần hóa Lọc dầu Dung Quất: Chờ đối tác khủng
Tập đoàn Sembcorp làm dự án 2 tỷ USD tại Quảng Ngãi

Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư cho hay, Bộ Công thương đang xem xét đề nghị của BP về việc chuyển giao phần vốn tại Nhà máy điện Phú Mỹ 3 cho một đối tác khác cũng có mặt tại đây là Tập đoàn SembCorp.

BP sẽ chỉ còn sản xuất dầu nhờn tại Việt Nam

Đây được xem là một thông tin rất mới, bởi chuyện BP rời khởi Nhà máy điện Phú Mỹ 3 những tưởng đã hoàn tất từ năm 2010.

Theo thông cáo báo chí được BP Việt Nam đưa ra ngày 18/10/2010, BP đã ký thỏa thuận bán các tài sản thượng nguồn tại Việt Nam và Venezuela cho Công ty TNK-BP với tổng trị giá 1,8 tỷ USD. Việc này nằm trong kế hoạch bán tài sản của Tập đoàn BP đã thông báo vào tháng 7/2010 với tổng trị giá lên tới 30 tỷ USD cho đến cuối năm 2011 nhằm đáp ứng những trách nhiệm về tài chính mà Tập đoàn cần huy động để giải quyết các vấn đề từ sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico.

Theo kế hoạch đó, BP đã bán được các tài sản ở Ai Cập, Canada và Hoa Kỳ cho Công ty Apache với trị giá 7 tỷ USD, tài sản thăm dò khai thác và vận chuyển dầu khí tại Colombia cho Công ty Talisman và Ecopetrol với trị giá 1,9 tỷ USD.

Công ty TNK-BP là liên doanh giữa BP với tổ hợp AAR (bao gồm các tập đoàn Alfa, Access và Renova) với tỷ lệ góp vốn là 50-50. Vào tháng 3/2013, Tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga đã hoàn tất hợp đồng mua lại phần vốn của BP trong Công ty liên doanh TNK-BP với tổng trị giá 55 tỷ USD. Lý do BP quyết định bán lại cổ phần ở TNK-BP được biết tới là bởi những bất đồng với AAR.

Tuy nhiên, trên website chính thức của Rosneft tại địa chỉ www.rosneft.com chỉ liệt kê các tài sản tại Việt Nam là 35% cổ phần trong Lô 06.1. Việc Rosneft không đề cập tới Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 cho thấy, BP vẫn là chủ sở hữu 33,3% vốn góp tại Nhà máy điện này.

Nhà máy điện Phú Mỹ 3 là dự án được xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) đầu tiên trong ngành năng lượng Việt Nam, có thời hạn hoạt động 20 năm, do ba đối tác là BP, SempCorp và tổ hợp nhà thầu Kyushu và Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) cùng góp vốn.

Với quy mô vốn đầu tư 412,8 triệu USD, nhà máy đã đi vào hoạt động tháng 3/2004. Tính đến tháng 3/2014, Nhà máy điện Phú Mỹ 3 đã cung cấp 47,22 tỷ kW điện cho cả nước.

Như vậy, nếu chính thức bán đi phần vốn góp của mình tại Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 3, BP sẽ chỉ còn lại Công ty dầu nhờn BP – Petco, một liên doanh với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Tập đoàn SembCorp cũng không phải là tên tuổi xa lạ với ngành năng lượng. Sau thành công tại Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3, hiện SembCorp đang xúc tiến triển khai đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất cũng theo hình thức BOT.

Với công suất 1.200 MW, Dự án Nhiệt điện Dung Quất có quy mô vốn đầu tư ước tính hơn 2 tỷ USD, có khả năng cung cấp 7 tỷ kWh điện hàng năm. Biên bản ghi nhớ phát triển Dự án này đã được Tập đoàn SembCorp ký với Bộ Công thương vào tháng 9/2013.

Sembcorp đang cùng Bộ Công thương đàm phán các điều khoản liên quan của dự án. Với thực tế đã triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3, dự kiến các công tác chuẩn bị cho Dự án Nhiệt điện Dung Quất sẽ được Sembcorp đẩy nhanh.

Theo kế hoạch, tổ máy số 1 vận hành thương mại vào tháng 9/2020 và tới tháng 3/2021 sẽ vận hành toàn bộ nhà máy.

Tin liên quan
Tin khác