Điểm nóng
Bức xúc vì bị yêu cầu giải trình hóa đơn dù không có lỗi
Nguyễn Ngân - 13/07/2023 14:06
Nhiều doanh nghiệp là bên mua hàng bức xúc về việc phải giải trình hóa đơn theo yêu cầu của cơ quan thuế khi doanh nghiệp bên bán hàng bị liệt vào danh sách có rủi ro về hóa đơn.
Quy định mới về giải trình khi giao dịch với các đối tác trong danh sách rủi ro về hóa đơn khiến doanh nghiệp thêm mối lo

“Người bị hại” lại… bị phạt

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa ban hành Công văn số 1798/TCT-TTKT về rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp. Trong đó, công bố danh sách 524 doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn và yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố kiểm tra việc sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp này.

Quy định trên đã khiến hàng loạt doanh nghiệp đang trong thời điểm khó khăn càng thêm “lao đao”, bởi theo họ, trong lúc mua hàng hóa, doanh nghiệp bên bán vẫn còn hoạt động, kiểm tra trên hệ thống thông tin của cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn cho thấy tình trạng của doanh nghiệp là "đang hoạt động"; trên hệ thống hóa đơn điện tử cũng chưa thấy hóa đơn của những doanh nghiệp này bị thu hồi. Thế nhưng, khi doanh nghiệp bán hàng bị phát hiện không còn hoạt động, doanh nghiệp có các hóa đơn mua hàng hóa từ doanh nghiệp bỏ trốn sẽ phải giải trình.

Bà Trần Lệ Thu, kế toán trưởng Công ty TNHH Thương mại Hòa Thuận (TP.HCM) cho rằng, việc phát hành hóa đơn của các doanh nghiệp bán hàng đã được Bộ Tài chính quản lý, giám sát. Bên mua hàng chỉ có thể làm đúng các quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ, chứ không thể kiểm soát được các doanh nghiệp bán hàng sau đó có bị liệt vào danh sách rủi ro về hóa đơn hay không.

“Có những hóa đơn của doanh nghiệp mà chúng tôi tổ chức tiệc tại một nhà hàng từ khoảng 2 năm trước, bỗng lại bị yêu cầu giải trình vì bên xuất hóa đơn đã ngưng hoạt động. Rất vô lý, bởi khi chúng tôi sử dụng dịch vụ thì làm sao có thể ‘tiên tri’ được liệu doanh nghiệp đó có ngừng hoạt động hay rủi ro trong tương lai”, bà Thu bức xúc.

Theo các doanh nghiệp, bên mua hàng chỉ có thể làm đúng các quy định của pháp luật về hóa đơn, chứng từ, chứ không thể kiểm soát được bên bán hàng sau đó có bị liệt vào danh sách rủi ro về hóa đơn hay không. Vì thế, việc Tổng cục Thuế yêu cầu doanh nghiệp bên mua phải giải trình hóa đơn khi bên bán ngưng hoạt động là vô lý.

Tương tự, bà Lê Trinh, kế toán Công ty TNHH Sinh thái Hoa Anh Đào (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng “ngỡ ngàng” với quy định này của ngành thuế: “Cơ quan nào cấp phép và quản lý cho các công ty ma này hoạt động? Cơ quan nào cấp mã hóa đơn cho các công ty này? Các công ty này bỏ trốn, đóng cửa, ngưng hoạt động không cơ quan nào biết hay sao? Tại sao lại đẩy trách nhiệm khi hóa đơn không hợp pháp cho các doanh nghiệp bên mua?”.

Ông Duy Lợi, đại diện một Công ty tại TP.HCM chia sẻ câu chuyện “khóc dở, mếu dở” của doanh nghiệp mình. Theo đó, năm 2022, doanh nghiệp của ông đã đổ xăng xe tải để giao hàng cho khách và lấy hóa đơn trị giá 500.000 đồng. Tuy nhiên, cách đây 1 tháng, doanh nghiệp của ông lại bị yêu cầu giải trình cho tờ hóa đơn này với lý do có liên quan tới đường dây 524 doanh nghiệp “ma”.

Để tránh thêm những phiền hà về sau, doanh nghiệp của ông Lợi đã phải loại tờ hóa đơn khỏi chi phí, chấp nhận mất 10% thuế giá trị gia tăng và phát sinh thêm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp, chưa kể nộp chậm cũng bị phạt vi phạm.

“Trong khi chúng tôi mua hàng thực tế, có hóa đơn chứng từ đầy đủ, giờ lại bị truy xét đủ thứ. Cơ quan thuế đang đẩy khó cho doanh nghiệp”, ông Lợi bức xúc.

Được biết, nếu không giải trình được, doanh nghiệp có thể bị phạt lên tới 35 triệu đồng vì hành vi khai sai cho những hóa đơn trị giá chỉ vài trăm ngàn và phải đóng tiền chậm nộp.

“Có những trường hợp, cơ quan thuế còn yêu cầu doanh nghiệp ký biên bản phạt 2 lần thuế giá trị gia tăng. Vậy cơ quan thuế quản không chặt thì ai phạt cơ quan thuế? Khi nhận hóa đơn, kiểm tra rõ ràng là hóa đơn hợp lệ, kế toán nào dám từ chối khi thanh toán?”, bà Lê Thị Thu Hiền, đại diện Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C - Baker Tilly A&C nêu ý kiến.

Ngành thuế nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phòng Tuyên truyền hỗ trợ (Cục Thuế TP.HCM) cho biết, khi doanh nghiệp phát sinh hoạt động mua bán, giao dịch với các doanh nghiệp thuộc diện nghi vấn, rủi ro, sẽ được yêu cầu giải trình, làm việc với bộ phận thanh tra của Cục Thuế.

Trong quá trình này, doanh nghiệp sẽ giải trình về hoạt động mua bán liên quan tới hóa đơn bị yêu cầu giải trình và Thanh tra Cục Thuế sẽ tiến hành xác minh rõ các vấn đề như hoạt động mua bán, sử dụng dịch vụ có thật hay không? Doanh nghiệp bên mua vô tình sử dụng dịch vụ của bên bán hay biết bên bán có nghi vấn, rủi ro, nhưng vẫn cố tình thực hiện hoạt động giao dịch?...

Sau khi xác minh các vấn đề này, Thanh tra Cục Thuế mới tiến hành xác định việc phạt hay không, phạt như thế nào.

Trong khi đó, ông Mai Xuân Thành, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, số lượng doanh nghiệp lọt vào tầm ngắm rủi ro của ngành thuế cao hơn con số 524 rất nhiều. Tổng cục Thuế đã triển khai Trung tâm cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử, với chức năng phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử, phục vụ công tác quản lý rủi ro trong toàn ngành thuế. Trên hệ thống sẽ lưu vết để truy đến cùng những doanh nghiệp cố tình vi phạm mua bán hóa đơn để trục lợi, trốn thuế.

Nếu phát hiện doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp trong số những doanh nghiệp đã bị nêu tên, cơ quan thuế sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình. “Nếu doanh nghiệp có hoạt động mua - bán, có chuyển tiền, có nhập hàng về kho… thì không phải sợ gì”, ông Thành khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác